Với những doanh nghiệp luôn xem người lao động là vốn quý, Tết cũng là dịp để thể hiện sự quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần nhằm giữ chân công nhân. Tết Nguyên đán 2024, theo ghi nhận, doanh nghiệp nào “ăn nên làm ra”, công nhân được lo đầy đủ tiền thưởng, còn nơi khó khăn cũng đã cố gắng tặng quà Tết.
Vui buồn thưởng Tết
Khi được hỏi về mức thưởng Tết trong năm kinh tế nhiều khó khăn, chị D., làm việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (ở TP.HCM) chia sẻ, công ty thông báo sẽ chuyển khoản tiền thưởng Tết vào cuối tháng 1 này. Mức thưởng năm nay cũng gần bằng năm ngoái và công ty tính theo hệ số lương.
Theo nguồn tin từ công ty này, bình quân tiền thưởng Tết khoảng 17 triệu đồng, cao nhất 67 triệu đồng và thấp nhất là hơn 5 triệu.
Nguồn tin cũng cho biết, dù bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, nhưng công ty vẫn cố gắng thưởng cuối năm cho người lao động.
“Do ảnh hưởng khó khăn, trong năm 2023, công ty cũng cắt giảm nhân sự nhiều đợt, khoảng 9.000 lao động”, nguồn tin chia sẻ.
Nằm trong diện cắt giảm, chị Huệ (quê Nghệ An) cho biết, năm ngoái khi còn làm cho công ty, tiền thưởng Tết của chị cũng hơn 20 triệu đồng (hệ số 1.9). Nhưng năm nay không còn nguồn này nên quá khó khăn trong chi tiêu. “Nói chung là buồn hơn năm ngoái”, chị Huệ ngậm ngùi.
Chị Huệ cũng cho hay, nhiều người trong diện cắt giảm như chị đã về quê vì mất việc, không thể trụ lại TP.HCM.
Còn chị H., công nhân công ty Freetrend (Khu chế xuất Linh Trung 2) cho biết, năm nay công ty thông báo thưởng Tết bằng năm ngoái, cũng tính theo hệ số lương. Chị H. chia sẻ, khoản thưởng của chị là hơn 20 triệu với hệ số lương 1.98. Theo chị, đây là khoản tiền mà công nhân như chị trông chờ để Tết có thêm nguồn chi tiêu cho gia đình.
Tại Bình Dương, một trong những địa phương có số lượng công nhân lớn nhất cả nước với hơn 1,6 triệu lao động, vấn đề thưởng Tết cũng đang được quan tâm.
Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Xuân Trường (34 tuổi, ngụ TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho hay, dịp cuối năm công ty đều thông báo tặng một phần quà Tết bao gồm bánh kẹo, dầu ăn, trà…
“Có nhiều anh chị em ý kiến lên trưởng bộ phận đề xuất công ty quy đổi quà ra tiền mặt cho phù hợp nhưng không được chấp nhận. Sau đó thì ai cũng nhận quà bằng các loại hàng hóa”, anh Trường nói.
Một số người lao động mong muốn, do nhu cầu sinh hoạt mỗi gia đình mỗi khác nên nếu doanh nghiệp tặng tiền mặt sẽ phù hợp hơn, ai muốn mua sắm gì thì chủ động, thay vì nhận quà về không dùng đến.
Tuy nhiên, cũng thưởng Tết là một phần quà, chị L. (27 tuổi, ngụ thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) chia sẻ, nhận được thông tin đó, ai cũng đều cảm thấy ấm lòng, đồng thuận và chia sẻ với sự khó khăn của công ty. Họ cũng cho rằng, các phần quà này nếu quy đổi ra tiền mặt thì không được nhiều. Thậm chí, số tiền này cũng không đủ mua các loại sản phẩm có trong phần quà tặng từ công ty.
Thưởng thêm chỉ vàng cho người gắn bó lâu năm
Một cán bộ công đoàn Công ty Freetrend cho biết, bên cạnh tiền thưởng Tết, công ty có truyền thống thưởng thêm vàng cho công nhân lâu năm, chẳng hạn thâm niên 10 năm sẽ được thưởng 1 chỉ, 20 năm được 1,5 chỉ.
Tương tự, Ban Giám đốc Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (đóng tại Bình Dương) cho biết, công ty quyết định tặng quà tri ân 24 người lao động có thâm niên 15 năm làm việc gắn bó, mỗi phần quà gồm 1 chỉ vàng, thư cảm ơn và hoa.
Công nhân Nguyễn Thị Thúy Oanh, Công ty TNHH Apparel Far Eastern bày tỏ: “Được nhận vàng từ công ty, anh chị em công nhân như được tiếp thêm động lực để cố gắng mỗi ngày và gắn bó dài lâu hơn với doanh nghiệp”.
Chị Nguyễn Thùy Vân, cán bộ Công đoàn Công ty TNHH Long Rich (Khu chế xuất Linh Trung 2) cũng chia sẻ, trong năm 2023 công ty gặp nhiều khó khăn, thiếu đơn hàng đến 6 tháng, có lúc chỉ làm việc 4 ngày/tuần. Mặc dù thế, công ty vẫn thưởng cho người lao động tương đương năm trước và vẫn giữ chế độ thưởng 1 chỉ vàng SJC cho người làm đủ 10 năm.
Thưởng Tết vẫn ổn định
Theo Sở Lao động-Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM, hầu hết doanh nghiệp đều quan tâm, chia sẻ, cố gắng thực hiện thưởng Tết cho người lao động theo quy chế thưởng, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.
Tiền thưởng bình quân khoảng 12,3 triệu đồng/người, gần tương đương so với Tết Quý Mão năm 2023 (12,8 triệu đồng/người). Trong đó, mức cao nhất là hơn 2 tỷ đồng/người (thuộc về doanh nghiệp FDI) và thấp nhất là 4,8 triệu đồng/người.
Ngoài tiền thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp còn có hình thức hỗ trợ thêm như tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón (hoặc hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe).
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tổ chức tất niên và thăm hỏi người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón Tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê trong dịp này.
Theo Liên đoàn Lao động TP.HCM, bên cạnh các hình thức thưởng của doanh nghiệp, ngành lao động cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà công nhân.
Với công nhân ở lại, Liên đoàn phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức chương trình “Gia đình công nhân lao động vui Tết cùng thành phố” tại Công viên văn hóa Đầm Sen. Chương trình này có gần 22.000 hộ gia đình đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức tiêu biểu, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tham gia tích cực hoạt động công đoàn; đoàn viên nghiệp đoàn và đoàn viên tại các khu lưu trú, khu nhà trọ.
Đối với Bình Dương, Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong tổng số 1.900 doanh nghiệp báo cáo thưởng Tết thì nhiều nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với gần 1.300 đơn vị.
Mức thưởng Tết của khối doanh nghiệp FDI thấp nhất là 4,68 triệu đồng/người, cao nhất là 574 triệu đồng, mức bình quân 7,1 triệu đồng/người. Ở khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng bình quân là 6,7 triệu đồng/người; cao nhất là 330 triệu đồng/người; thấp nhất là 4,68 triệu đồng/người. Khối doanh nghiệp Nhà nước, mức thưởng cao nhất là 42 triệu đồng/người; thấp nhất là 9 triệu đồng; bình quân gần 10 triệu đồng/người.
Kỳ sau: Thưởng Tết công nhân: Nơi tính chi từng đồng, chỗ vui mừng mua vé bay về quê