Chị Hoàng Minh Tuyết (40 tuổi, làm việc tại một công ty truyền thông ở Hà Nội) cho biết, dù chưa đến tháng 12 nhưng cơ quan chị đã bắt đầu lên kế hoạch thưởng Tết.

Chị Tuyết chia sẻ, cũng như năm ngoái, năm nay công ty dự kiến thưởng Tết Âm lịch và Tết Dương lịch là 2 tháng thu nhập.

“Dù chưa công bố chính thức nhưng với tình hình kinh doanh trong năm qua nhiều khả năng mức thưởng không thay đổi. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, được thưởng 2 tháng thu nhập dịp Tết với tôi cũng là điều đáng mừng”, chị Tuyết nói.

Ông Lê Văn Cương, giám đốc một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu ở Hà Nội cho biết, do năm nay đơn hàng về đều đặn nên công ty chi trả lương và thưởng cho người lao động sẽ cao hơn. Ngoài tháng lương thứ 13 thưởng Tết Âm lịch thì công ty sẽ thưởng thêm nửa tháng lương dịp Tết Dương lịch để khích lệ người lao động có thêm động lực làm việc.

W-vietcombank 2024 (46).jpg
Các địa phương đang yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo lương, thưởng dịp Tết năm 2025. Ảnh minh họa: Nam Khánh

Bên cạnh các doanh nghiệp đang lên kế hoạch thưởng Tết, tại một số địa phương, mức thưởng Tết cho người lao động đã được công bố.

Tại tỉnh Đồng Nai, Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) công bố mức thưởng Tết 1 tháng lương với người lao động làm đủ 1 năm. Mỗi người lao động làm hơn 1 năm được tăng 5%, mức cao nhất là 200% tương đương 2 tháng lương.

Tại Bắc Giang, theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH, năm nay, dự kiến thưởng Tết Nguyên đán trong tỉnh cao nhất 146 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); mức thưởng Tết của các doanh nghiệp trong tỉnh bằng hoặc tăng 5-10% so với năm trước.

Giám sát việc chi trả lương, thưởng Tết

Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các địa phương nắm bắt tình hình tiền lương, nợ lương năm 2024, ban hành kế hoạch thưởng Tết 2025, báo cáo về Bộ trước ngày 15/12.

Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã yêu cầu công đoàn cơ sở chủ động tham gia với người sử dụng lao động công khai phương án trả lương, thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết ít nhất 30 ngày.

Ngoài ra, cần giám sát việc thực hiện trả lương, thưởng Tết, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ; đảm bảo quyền lợi chính đáng cho đoàn viên, người lao động tăng ca, làm thêm giờ, làm việc trong dịp Tết.

Kịp thời phát hiện và có giải pháp đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản.

Cùng với đó, cần tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về phương án, kế hoạch sản xuất, trả lương, trả thưởng Tết.

Các cấp công đoàn tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về phương án, kế hoạch sản xuất, trả lương, trả thưởng Tết; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong dịp Tết.

Có các biện pháp phát hiện, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể phát sinh trong dịp Tết và tham gia xử lý kịp thời, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương, doanh nghiệp…