Ngày 7/7, Mỹ cho biết họ sẽ cung cấp cho Kiev những quả bom chùm, vốn bị cấm ở nhiều quốc gia, như một phần của gói viện trợ mới trị giá 800 triệu USD, nâng tổng số viện trợ quân sự của Mỹ lên hơn 40 tỷ USD kể từ tháng 2/2022 tới nay.
Các nhóm nhân quyền và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đặt câu hỏi về quyết định này của Mỹ.
Thượng nghị sĩ Kaine cho biết có “một số lo ngại thực sự” về quyết định gửi bom chùm tới Ukraine vì điều này có thể khiến các quốc gia khác dễ dàng vi phạm các công ước quốc tế về bom đạn.
Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, nói với các phóng viên hôm Chủ nhật rằng Ukraine đã đảm bảo bằng văn bản rằng họ sẽ không sử dụng bom chùm ở Nga hoặc ở các khu vực đông dân cư.
Bom chùm bị cấm bởi hơn 100 quốc gia. Tuy nhiên, Nga, Ukraine và Mỹ đã không ký vào Công ước về việc cấm sản xuất, tàng trữ, sử dụng và chuyển giao bom chùm.
Những quả bom chùm nhỏ thường được thả với số lượng lớn. Những quả bom không phát nổ có thể gây nguy hiểm trong nhiều thập kỷ sau khi xung đột kết thúc.
Hạ nghị sĩ Lee kêu gọi chính quyền ông Biden xem xét lại hành động này. “Bom chùm không bao giờ nên được sử dụng. Đây này đã vượt quá giới hạn”, bà nói hôm Chủ nhật, đồng thời cho biết thêm rằng Mỹ có nguy cơ mất đi “sự lãnh đạo về mặt đạo đức” khi gửi bom chùm tới Ukraine.
Phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby bảo vệ quyết định này và cho biết Mỹ rất tập trung vào các nỗ lực rà phá bom mìn ở Ukraine.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ, Michael McCaul, cho biết cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra chậm chạp và bom chùm có thể là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” đối với người Ukraine.
Hoàng Nam (theo Reuters)