Không nên đánh giá thấp khả năng điều chỉnh và phục hồi của nền kinh tế số 1 châu Âu khi họ phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn…
Những rào cản của nền kinh tế Đức mang tính cấu trúc và đã biểu hiện ngay từ trước khi bùng nổ đại dịch Covid-19. (Nguồn: allianz-trade) |
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã trì trệ kể từ khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Số liệu thống kê gần đây cho thấy sự bi quan về triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế và tình trạng trì trệ đã làm gia tăng sự bất ổn trong xã hội nước này, đặc biệt là ở những vùng kém phát triển hơn. Bằng chứng là kết quả cuộc bầu cử ngày 1/9 vừa qua tại Thuringia và Saxony.
Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đã giành chiến thắng ở bang Thuringen với tỷ lệ ủng hộ từ 32,8% đến 33,4%. Trong khi Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu (CDU) có thể sẽ giành vị trí thứ hai với 23,8%. Kết quả này đánh dấu lần đầu tiên một đảng cực hữu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp bang ở Đức kể từ Thế chiến II.
Tại bang Saxony, đảng cực hữu AfD cũng bám sát CDU. Ba đảng trong liên minh cầm quyền gồm Dân chủ xã hội (SPD), Xanh và Dân chủ tự do (FDP) chịu thất bại đáng kể trong cuộc bầu cử này.
Các cuộc tranh luận đang diễn ra về việc liệu liên minh cầm quyền hiện tại có thể duy trì nguyên vẹn trong suốt nhiệm kỳ của mình hay không.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, những rào cản của nền kinh tế còn hơn cả tính chu kỳ. Chúng ăn sâu, mang tính cấu trúc và đã biểu hiện ngay từ trước khi bùng nổ đại dịch Covid-19. Liệu Đức có một lần nữa trở thành “kẻ ốm yếu của châu Âu” hay không?
Nhu cầu toàn cầu sụt giảm
Trong nhiều thập niên, nền kinh tế Đức vốn phát triển mạnh mẽ, phản ánh các chính sách hướng đến sự ổn định của quốc gia này. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (còn gọi là mittelstand) thành công với năng lực sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đặc biệt là ô tô, trong khi xuất khẩu đóng vai trò lớn trong tăng trưởng. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng thành công lâu đời này của nền kinh tế đầu tàu châu Âu hiện đã bị phá vỡ phần lớn.
Khó có thể xuất khẩu hàng hóa khi nhu cầu toàn cầu giảm sút. Trong những thập niên qua, tăng trưởng GDP toàn cầu ở mức khoảng 5%. Dù vậy, mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ duy trì ở mức khoảng 3% trong giai đoạn 2024-2028, do tăng trưởng đi xuống ở các nền kinh tế phát triển, các thị trường mới nổi, cũng như các nước đang phát triển và sự chậm lại của Trung Quốc.
Ngành công nghiệp ô tô Đức chiếm khoảng 5% GDP và tạo ra hơn 800.000 việc làm, nhưng theo các báo cáo, lĩnh vực này đang chịu áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc, quốc gia được coi là có vị thế dẫn đầu thế giới về xe điện. Cường quốc châu Á hiện là thị trường xuất khẩu chính của ngành công nghiệp ô tô Đức, nhưng việc tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc có thể làm giảm tốc độ xuất khẩu của quốc gia Tây Âu.
Trong khi đó, thương mại của Đức với Nga cũng đã giảm đáng kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (tháng 2/2022), đồng thời triển vọng về hợp tác thương mại giữa Berlin với xứ sở bạch dương cũng trở nên ảm đạm.
Ngành sản xuất của Đức chiếm gần 20% GDP cả nước, trong khi con số đó tại Trung Quốc là gần 30% GDP và ngành này nhận được trợ cấp đáng kể. Lĩnh vực sản xuất Mỹ chiếm gần 10% GDP, tương tự trường hợp của các nước châu Âu khác như Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Có thể thấy, việc kinh tế Đức phụ thuộc lớn vào sản xuất có thể là một gánh nặng cho tăng trưởng trong những năm tới.
Sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine và giá năng lượng tăng vọt, sự phụ thuộc của Đức vào nguồn năng lượng giá rẻ trước đây của Nga được cho là khiến chi phí sản xuất của Đức kém sức cạnh tranh. Khi xung đột mới bùng phát, nhận định này nghe có vẻ đúng. Tuy nhiên, Berlin đã đáp ứng được nhu cầu năng lượng thông qua những nỗ lực đáng kể nhằm thay đổi trọng tâm nhập khẩu và giá năng lượng hiện đã giảm.
Những thách thức lớn
Xu hướng nhân khẩu học và già hóa dân số đứng đầu danh sách những thách thức đối với Đức hiện nay. Số lượng người về hưu hiện đang tăng nhanh chóng và nhóm này sẽ có tuổi thọ cao, gây gánh nặng cho tài chính công. Trong khi đó, tỷ lệ lao động trẻ trong cơ cấu dân số sẽ giảm nếu không có di cư ròng.
Bên cạnh đó, nước này cũng thiếu sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng, kèm theo thủ tục hành chính rườm rà đang kéo giảm năng suất và đầu tư. Ngoài ra, Đức vẫn tụt hậu so với các nước ngang hàng về số hóa.
Đức đã thông qua một cải cách toàn diện đối với khuôn khổ chính sách nhập cư vào tháng 11/2023. Trong ảnh: Người dân đi trước cửa tòa nhà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Main, Đức, tháng 6/2024. (Nguồn: AFP) |
Mặc dù vậy, tin tốt là Berlin có không gian chính sách để giải quyết những vấn đề mang tính cấu trúc này.
Đầu tiên, việc nhập cư của những người lao động có tay nghề có thể thúc đẩy đáng kể triển vọng tăng trưởng của Đức. Với những lo ngại của người dân về vấn đề nhập cư và tình hình chính trị hiện tại, quốc gia Tây Âu đang thay đổi quan điểm về chính sách nhập cư.
Berlin chuyển từ mô hình chủ yếu dựa trên nhân đạo sang chính sách nhập cư được thúc đẩy nhiều hơn bởi “kinh tế”. Liên minh chính phủ cầm quyền hiện tại đã thông qua một cải cách toàn diện đối với khuôn khổ chính sách nhập cư vào tháng 11/2023.
Theo đó, khuôn khổ “Đạo luật Nhập cư có tay nghề dành cho chuyên gia đủ tiêu chuẩn” mới nhằm thu hút lao động có tay nghề và bán tay nghề từ các nước thứ ba để lấp đầy khoảng trống trong lực lượng lao động cho ngành sản xuất trong nước. Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa biết liệu chính sách này có đủ mạnh để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong các lĩnh vực quan trọng hay không.
Kết quả bầu cử tiểu bang vào ngày 1/9 vừa qua chắc chắn sẽ giáng một đòn mạnh vào liên minh cầm quyền hiện tại, đặc biệt là khi nhập cư dường như là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ kết quả của đảng cực hữu AfD. Nhưng điều này không nên bị thổi phồng quá mức. Hơn nữa, các tiểu bang này chỉ đại diện cho 7% dân số nước Đức, vì vậy, kết quả bầu cử khó có thể lặp lại ở cấp liên bang trong cuộc bầu cử vào mùa Thu năm sau.
Berlin có thể thay đổi bản chất chính sách nhập cư, nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn dòng người nhập cư.
Thứ hai, một chính sách tài khóa mở rộng hơn có thể giải quyết được tình trạng đầu tư không đủ vào cơ sở hạ tầng và quốc phòng, đồng thời tuân thủ tham vọng phát thải ròng bằng 0. Trong khi không gian tài khóa đã bị thu hẹp đối với các chính phủ trên khắp thế giới sau đại dịch và cú sốc năng lượng liên quan đến xung đột, Berlin có không gian tài khóa rất lớn.
Tuy nhiên, nước này lại tự trói buộc mình vào quy định Schuldenbremse (phanh nợ theo hiến pháp của Đức). Ý chí chính trị về vấn đề này cũng có thể thay đổi, bằng chứng là một số chính trị gia cấp tiểu bang nổi tiếng của CDU kêu gọi cải cách, bất chấp việc lãnh đạo đảng này, ông Friedrich Merz, đã ủng hộ việc tuân thủ Schuldenbremse.
Nền kinh tế Đức tiếp tục phải đối mặt với tình trạng trì trệ về mặt cấu trúc. Với sự hiện diện của FDP trong liên minh cầm quyền hiện tại, các phán quyết của Tòa án Hiến pháp và quan điểm của CDU về nợ và thâm hụt, có vẻ như Berlin ít có triển vọng thay đổi vị trí của mình trên “chiếc áo bó Schuldenbremse”.
Chính sách nhập cư, mặc dù đang trải qua những thay đổi lớn, sẽ mất thời gian để lấp đầy khoảng trống thiếu hụt lao động. Trong khi đó, môi trường bên ngoài ngày càng có nhiều thách thức đối với ngành sản xuất của nước này. Tình trạng trì trệ dường như đã ăn sâu bất kể đảng nào nắm quyền.
Với những hạn chế trong nước và môi trường quốc tế thay đổi, sẽ là một chặng đường dài và khó khăn để thực hiện các biện pháp chính trị và kinh tế cần thiết nhằm giải quyết những thách thức về mặt cấu trúc của Đức. Tuy nhiên, sau khi bị gọi là “kẻ ốm yếu của châu Âu”, nước này đã thay đổi. Không nên đánh giá thấp khả năng điều chỉnh và phục hồi của nền kinh tế số 1 châu Âu này nếu họ phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn.
Nguồn: https://baoquocte.vn/thuong-mai-voi-nga-va-trung-quoc-am-dam-mo-hinh-tang-truong-bi-pha-vo-duc-lam-gi-de-go-mac-ke-om-yeu-cua-chau-au-285009.html