TMĐT xuyên biên giới được xác định là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến
Chia sẻ tại Diễn đàn Kết nối và Phát triển TMĐT 2024, bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, những năm gần đây, TMĐT xuyên biên giới có tốc độ phát triển nhanh chóng, nếu như năm 2021 đạt 1.900 tỷ USD thì năm 2023 đã đạt 2.300 tỷ USD và dự kiến đạt 7.938 tỷ USD vào năm 2030.
Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh chia sẻ tại Diễn đàn
Theo Cục trưởng, TMĐT xuyên biên giới được xác định là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến. Theo Báo cáo TMĐT năm 2023 của Cục TMĐT và Kinh tế số, có 13% doanh nghiệp có sử dụng website/ứng dụng TMĐT phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu. Trong số các doanh nghiệp đó, 53% xuất khẩu thông qua sàn giao dịch TMĐT, 47% xuất khẩu thông qua website/ứng dụng tự xây dựng.
Ngoài ra, 60% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua TMĐT chiếm 10-30%. Thị trường phổ biến ứng dụng TMĐT cho hoạt động xuất khẩu, như: Hàn Quốc chiếm 45%; Nhật Bản 40%, Trung Quốc 38%…
Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền chia sẻ tại Toạ đàm
Chia sẻ trong phần Toạ đàm, bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số chia sẻ, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều vướng mắc trong vấn đề xuất khẩu trực tuyến, Lãnh đạo Cục đã giao Trung tâm Phát triển TMĐT nghiên cứu, phát triển Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex) với các giải pháp cụ thể, nhằm hiện thực hóa định hướng của Chính phủ, chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế qua TMĐT.
Cùng với đó, Cục TMĐT và Kinh tế số thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về TMĐT nói chung và TMĐT xuyên biên giới nói riêng, với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phổ biến các quy định, thủ tục và kiến thức mới cho đối tượng quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Diễn đàn có sự tham gia của 500 đại biểu trong nước và quốc tế
Tại Diễn đàn, Lãnh đạo Cục TMĐT và Kinh tế số cũng đưa ra một số định hướng phát triển TMĐT xuyên biên giới trong thời gian tới, đó là: Phát triển TMĐT xuyên biên giới xanh, bền vững; tăng cường quản lý hàng xuất nhập khẩu TMĐT qua chuyển phát nhanh; kết nối khai báo thuế cho TMĐT xuyên biên giới; Ban hành, thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026 – 2030 tập trung phát triển, tối ưu hóa hệ thống logistics, thanh toán phục vụ TMĐT xuyên biên giới…
Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng giám đốc chia sẻ tại Diễn đàn
Với vai trò là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ logistics lớn nhất tại Việt Nam tham gia chia sẻ tại Diễn đàn, Đại diện đến từ Bưu điện Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp giúp các doanh nghiệp TMĐT vượt qua các khó khăn trong việc giao nhận hàng hóa quốc tế. Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết, Bưu điện Việt Nam mới đây đã ra mắt thử nghiệm nền tảng TMĐT chuyên biệt về nông sản (nongsan.buudien.vn) với sứ mệnh mang đến cho người tiêu dùng trên cả nước các sản phẩm nông sản là đặc sản tuyển chọn, có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và hướng đến xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Chia sẻ trong phần Toạ đàm, Đại diện Bưu điện Việt Nam nhấn mạnh vai trò của các dịch vụ logistics chất lượng, hạ tầng công nghệ và các giải pháp thanh toán an toàn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu qua TMĐT. Đại diện Bưu điện Việt Nam khẳng định cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ tích hợp từ vận chuyển đến giao nhận hàng hóa quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thị trường toàn cầu.
Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt thúc đẩy xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới
Bên cạnh phần trình bày của các diễn giả trong nước, Diễn đàn Kết nối và Phát triển TMĐT 2024 còn có sự tham gia chia sẻ của các chuyên gia đến từ Cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, Hiệp hội đến từ Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Được xem là cầu nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, Vân Nam cũng là mắt xích quan trọng trong hợp tác TMĐT giữa Việt Nam – Trung Quốc. Chia sẻ tại Diễn đàn Kết nối và Phát triển TMĐT 2024, ông Liu Liang, đại diện Sở Thương mại Vân Nam, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Vân Nam nhận định nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo và giày dép là những sản phẩm Việt có tiềm năng lớn tại thị trường Trung Quốc.
Ông Liu Liang, đại diện Sở Thương mại Vân Nam, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Vân Nam (Trung Quốc) chia sẻ tại Diễn đàn
“Chúng tôi nhận thấy, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo và giày dép có tiềm năng rất lớn trên thị trường Trung Quốc. Ví dụ: Thanh long, hạt điều và hạt cà phê của Việt Nam đã thông qua các nền tảng TMĐT xuyên biên giới của Vân Nam, xuất hiện trên bàn ăn của người tiêu dùng Trung Quốc. Trong tương lai, cùng với việc tối ưu hóa logistics và chính sách, thị phần của những sản phẩm này sẽ còn tiếp tục mở rộng” – ông Liu Liang thông tin.
Để thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, ông Liu Liang khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần làm tốt hơn trong vận chuyển, khai báo hải quan gắn với việc đào tạo nhân lực, tiếp cận khách hàng… để nhanh chóng hiểu được nhu cầu khách hàng, phân tích đúng nhu cầu, đáp ứng được mọi mong muốn của khách hàng.
Cùng quan điểm đó, ông Jang Woo Sung – Đại diện Ủy ban Tư vấn xuất khẩu của Hiệp hội xuất khẩu tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) cho rằng chính sách của Việt Nam cần tập trung vào phát triển và nâng cao năng lực logistics và nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến.
Ông Yap Kwong Weng – CEO Vietnam Superport chia sẻ tại Diễn đàn
Dự báo hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới, ông Yap Kwong Weng – CEO Vietnam Superport cho rằng, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng hoạt động thương mại trên nền tảng số. Liên quan đến giải pháp thúc đẩy logistics trong TMĐT xuyên biên giới, CEO của Vietnam Superport nhấn mạnh, với vị trí cách Hà Nội chỉ 40km và cách Sân bay Quốc tế Nội Bài 18km, Việt Nam SuperPort đảm bảo khả năng tiếp cận nhanh chóng đến các tuyến đường không và đường biển, mang lại lợi thế cho doanh nghiệp trong việc giảm thời gian vận chuyển và chi phí logistics; kết nối liền mạch đến hành lang Trung Quốc – ASEAN đang phát triển.
Lễ ký MOU cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu trực tuyến
Sau phần Tọa đàm trao đổi về cơ hội phát triển TMĐT xuyên biên giới cho các sản phẩm Việt, Đại diện Đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển Hệ sinh thái (Trung tâm Phát triển TMĐT) và một số doanh nghiệp trong và ngoài nước đã ký MOU cam kết đồng hành thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu trực tuyến, đưa hàng Việt hiện diện nhiều hơn tại thị trường quốc tế nhờ TMĐT.
Lãnh đạo Cục TMĐT và Kinh tế số cùng các Đại biểu tham quan các gian hàng tham gia Triển lãm
Diễn đàn Kết nối và Phát triển TMĐT 2024 có sự tham gia của các đối tác đồng hành như SuperPort, Bưu điện Việt Nam (VnPost) và hơn 50 doanh nghiệp tham gia triển lãm tạo cơ hội kết nối giao thương, giúp doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến trong thời gian tới.
Theo Báo cáo TMĐT năm 2023 của Cục TMĐT và Kinh tế số, có 13% doanh nghiệp có sử dụng website/ứng dụng TMĐT phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu. Trong số các doanh nghiệp đó, có 53% xuất khẩu thông qua sàn giao dịch TMĐT và 47% xuất khẩu thông qua website/ứng dụng tự xây dựng. |
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/xuc-tien-thuong-mai/thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-chap-canh-cho-hang-viet-vuon-xa.html