Năm 2023, thương mại điện tử (TMĐT) đã có sự phát triển bứt phá, tăng trưởng 25%, thuộc top đầu thế giới, theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
Nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN
Với phương châm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ để đẩy mạnh các hoạt động về cải cách hành chính, những nỗ lực đó đã giúp cho Bộ Công Thương đạt thứ hạng cao trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Đồng thời, Cục đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phát triển Thương mại điện tử như: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quản lý thực thi thương mại điện tử; tổ chức sự kiện quảng bá, thúc đẩy TMĐT phát triển; đào tạo tập huấn; hợp tác quốc tế về TMĐT.
Cục cũng đã triển khai hàng loạt các hoạt động hiệu quả trong việc thực hiện Chính phủ số như: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật với việc tham mưu ban hành 22 văn bản trong năm 2023 về cải cách hành chính, Chính phủ số; định hướng Chính phủ số trong việc xây dựng bộ Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ Công Thương; các hoạt động cải cách hành chính như số hóa thủ tục hành chính, vận hành cổng dịch vụ công, kết nối cổng dịch vụ công – cơ chế một cửa quốc gia, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia.
Đối với các hoạt động của Bộ Công Thương, Cục cũng góp phần không nhỏ trong việc vận hành tốt hệ thống điều hành nội bộ của Bộ Công thương; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng.
Thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập trung phát triển TMĐT theo các mục tiêu bao gồm: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua các nền tảng số.
Ngoài ra, Cục sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực của Bộ; xây dựng Chính phủ số theo đúng phương châm 4 không – 4 có; đổi mới căn bản phương thức quản lý, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối liên thông một cách hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Cục vẫn còn một số những hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Cụ thể, vấn đề nhận thức về chuyển đổi số ở một số đơn vị thuộc Bộ còn chưa được chú trọng và được coi là cấp bách nên hành động chưa quyết liệt và kém hiệu quả; chưa tích cực trong việc thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu; sự phối hợp giữa các đơn vị trong bộ còn chưa hiệu quả; cơ sở vật chất, hạ tầng đối với các cá nhân, đơn vị còn thiếu đồng bộ; những quy định của pháp luật, quy chế, quy định của ngành đối với công tác chuyển đổi số phát triển thương mại điện tử của Bộ cũng còn nhiều hạn chế.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2024
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu Hội nghị Tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Ảnh: moit.gov.vn
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, phương hướng đã đề ra trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cần thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:
Một là, phải tiếp tục nâng cao nhận thức, không chỉ trong Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số mà còn góp phần nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ toàn ngành thấy được tầm quan trọng của chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử trong giai đoạn mới, nâng cao trách nhiệm toàn ngành, tạo quyết tâm chính trị cao trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực này.
Hai là, phải khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những quy chế, quy định hoặc kiến nghị ban hành mới, sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp đối với lĩnh vực chuyển đổi số nói chung và những hoạt động chuyển đổi số của ngành Công Thương nói riêng.
Tham mưu, đề xuất ban hành mới quy định của pháp luật, quy định của ngành đối với các hoạt động thương mại điện tử sao cho hạn chế những yếu kém, những vi phạm pháp luật trong môi trường thương mại điện tử, hạn chế việc lộ, lọt thông tin trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành và của Bộ.
Ba là, tập trung cao từ Cục và lan tỏa đến các đơn vị thuộc Bộ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của Bộ. Nơi nào có hoạt động quản lý của Bộ Công Thương, của các đơn vị chức năng thuộc Bộ đều có thể ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành. Tập trung phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, Big data, nỗ lực về mọi mặt để kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị thuộc Bộ, giữa Bộ với Chính phủ, chia sẻ với các bộ, ngành, các địa phương và toàn xã hội.
Bốn là, phải tiếp tục tham mưu để Bộ có thể nâng cấp cơ sở vật chất, nhất là hạ tầng cứng là các hệ thống thiết bị và hạ tầng mềm là các phần mềm, ứng dụng công nghệ, cần nâng cấp hệ thống đồng bộ;
Đồng thời, chú trọng làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, quan tâm chăm lo, nâng cấp, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ và phải xây dựng đề xuất cơ chế để tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý đối với những vi phạm của các đơn vị và cá nhân trong thực hiện công cuộc chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử.
Năm là, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn thông tin; đưa ra những cơ chế, giải pháp về kỹ thuật và pháp lý để đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm trong môi trường thương mại điện tử. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong việc đẩy mạnh vai trò quản lý nhà nước, làm tốt công tác tuyên truyền cho toàn xã hội hiểu về những nỗ lực của đơn vị và của Bộ.
Sáu là, quan tâm chăm lo đến công tác đảng, công tác chính trị, phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, các thiết chế trong đơn vị, từ công đoàn, đoàn thanh niên. Nêu gương lãnh đạo Cục, lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục, cán bộ, đảng viên, cán bộ cốt cán. Chú trọng công tác tư tưởng, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động từ việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt cán bộ…/.
Thu Trà