Trong hai ngày 17-18/5 tới đây, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh sẽ tổ chức Chương trình kết nối thị trường với các sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tỉnh Trà Vinh bán hàng trực tuyến.
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử quốc gia do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì. Cùng với kế hoạch hoạt động của Dự án Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Trà Vinh năm 2023 (SME Trà Vinh), Trung tâm Tin học và Công nghệ số sẽ phối hợp cùng Sở Công Thương Trà Vinh tổ chức hoạt động gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp với các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Droppii và làm việc với Accesstrade để hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cách triển khai bán hàng qua nền tảng Tiktok Shop.
Sản phẩm đặc trưng chỉ xơ dừa và các sản phẩm thủ công từ xơ dừa tỉnh Trà Vinh |
Bên cạnh mục tiêu chung của Dự án SME Trà Vinh là đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, lành mạnh để các doanh nghiệp đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế. Chương trình còn hướng tới mục tiêu cụ thể hơn, đó là hỗ trợ cán bộ của tỉnh Trà Vinh có thêm kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn; giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ứng dụng thương mại điện tử để bán hàng trực tuyến, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần giúp doanh nghiệp trên địa bàn phát triển bền vững.
Trong hai ngày chương trình diễn ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ được các đại diện của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các chuyên gia từ các sàn thương mại điện tử chia sẻ các thông tin về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử quốc gia Go Online; hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh về quy trình tham gia quảng bá, giới thiệu, livestream bán hàng trên nền tảng số đa kênh như Tiktok Shop; hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia và thúc đẩy bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Lazada, Tiki, Droppii…
Trà Vinh có các sản phẩm chủ lực như: Lúa, dừa và các sản phẩm từ dừa (than hoạt tính, thảm xơ dừa, mụn dừa, nước cốt dừa…), trái cây (măng cụt, chôm chôm, xoài, thanh long, cam sành, nhãn, bưởi da xanh); thủy sản (cá lóc, tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nghêu – sò huyết). Với nhiều lợi thế về các sản phẩm thực phẩm chế biến, nông sản, trái cây… Chương trình kì vọng sẽ hỗ trợ và kết nối hiệu quả giúp thúc đẩy liên kết thị trường tiêu thụ các mặt hàng ưu tiên này của địa phương.
Với nội dung thiết thực và hữu ích từ các đơn vị cung cấp nền tảng ứng dụng thương mại điện tử, chương trình này sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tiếp cận thông tin, nâng cao kỹ năng, nắm được quy trình từ tham gia, quảng bá đến tăng doanh số bán sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử và nền tảng số để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bánh tét Hai Lý – sản phẩm đặc sản Trà Vinh |
Thời gian qua, hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, tỉnh Trà Vinh tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh. Thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, tỉnh có 285 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Hoạt động đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử giúp tỉnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế theo hướng hiệu quả, bền vững.
Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã phối hợp Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Smart life hỗ trợ Công ty TNHH Trà Vinh Farm, huyện Tiểu Cần đưa các sản phẩm mật hoa dừa đạt hạng OCOP 4 sao lên sàn giao dịch nông sản sạch Azuamua.com và được thị trường trong nước, quốc tế đón nhận.
Ông Huỳnh Sa Rây, Tổ trưởng Tổ trồng màu công nghệ cao Lương Hòa A, huyện Châu Thành phấn khởi cho biết, thụ hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh, tháng 8/2022, các thành viên của tổ trồng màu đưa sản phẩm dưa lê đạt hạng OCOP 3 sao lên trang thương mại điện tử “Cổng kết nối cung – cầu” của VNPT. Hoạt động này giúp khách hàng, doanh nghiệp tìm hiểu và liên kết cung ứng sản phẩm dưa lê của tổ được nhanh chóng, tiện lợi hơn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh cũng phối hợp Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè, huyện Cầu Kè triển khai mô hình “Tiêu thụ sản phẩm trên sàn điện tử Vicosap.vn”. Bà Lâm Ngọc Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè cho biết, sàn điện tử Vicosap.vn hoạt động trên nền tảng website: Vicosap.vn và phần mềm (App) mang tên Vicosap hoạt động trên thiết bị di động. Ðây cũng là cầu nối cho các đơn vị khởi nghiệp, giới thiệu các sản phẩm đến với khách hàng, nhất là các đơn vị khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh Trà Vinh.