Là thương hiệu sữa đứng thứ 6 toàn cầu, năm nay Vinamilk tiếp tục được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024. Đây cũng là năm thứ 16 liên tiếp Vinamilk giữ danh vị này.
Có mặt trên 62 thị trường ở khắp 5 châu
Hiện nay, thị trường xuất khẩu của Vinamilk rất rộng lớn. Từ 42 thị trường vào năm 2010 đến nay đã lên đến 62 thị trường ở cả 5 châu lục. Tổng doanh thu xuất khẩu lũy kế đạt hơn 3,4 tỉ USD, với gần 400 sản phẩm gồm cả sữa bột, sữa tươi, sữa chua, sữa đặc…
Nhiều chuyên gia đánh giá kết quả này cho thấy nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp trong việc đưa thương hiệu quốc gia Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Thực tế này đã mang đến nhiều kết quả kinh doanh nổi bật trong 2 năm qua, công ty một lần nữa được vinh danh Thương hiệu quốc gia 2024 (giai đoạn 2024 – 2026).
Đây là đơn vị duy nhất trong ngành sữa sở hữu danh vị này suốt 16 năm liền. Ngoài ra trên trường quốc tế, công ty còn đứng thứ 6 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu và là thương hiệu thực phẩm giá trị nhất ASEAN.
Vinamilk có 10 nhãn hiệu đạt thương hiệu quốc gia, có đến quá nửa là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, bao gồm: Dielac, Sure Prevent Gold, sữa tươi tiệt trùng 100%, Ông Thọ, Ngôi Sao Phương Nam, sữa chua Vinamilk và sữa chua uống Probi. Riêng nhóm nhãn hiệu này đang đóng góp đến 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của công ty.
“Năm 2023, công ty đổi mới nhận diện thương hiệu một cách toàn diện. Và không chỉ thương hiệu, Vinamilk đang thực hiện các đổi mới trên nhiều khía cạnh, bao gồm cả chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Điều này sẽ đưa thương hiệu vươn xa hơn trên hành trình mới, góp phần phát triển thương hiệu quốc gia nói chung.
Vinamilk hướng đến việc làm sao để người tiêu dùng quốc tế nhìn nhận sản phẩm, thương hiệu Việt Nam là sáng tạo, độc đáo và chất lượng”, ông Lê Hoàng Minh, giám đốc điều hành sản xuất, đại diện công ty chia sẻ.
Dẫn dắt cho xu hướng kinh tế xanh
Đại diện Bộ Công Thương đánh giá các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia là lực lượng dẫn dắt cho xu hướng phát triển xanh, kinh tế xanh. Vinamilk không nằm ngoài nhìn nhận này.
Chuẩn bị cho quá trình phát triển bền vững, công ty triển khai thực hành từ khâu sản xuất ở các nhà máy, trang trại đến tiêu dùng, hoạt động cộng đồng.
Các chiến lược này được hệ thống, chuẩn hóa theo các thông lệ quốc tế khi doanh nghiệp công bố báo cáo Phát triển bền vững vào năm 2012 (thời điểm Việt Nam chưa có các quy định bắt buộc về lập và công bố báo cáo này).
Một dấu ấn phát triển bền vững khác của Vinamilk là công bố mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đến nay công ty đã có 3 đơn vị đầu tiên đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS2060:2024.
Và công ty cũng là đại diện đầu tiên của Việt Nam tham gia sáng kiến ngành sữa toàn cầu về Net Zero; được xếp vào top 5 thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu và dẫn đầu tại Việt Nam.
Những yếu tố này góp phần giúp công ty vượt qua những rào cản đòi hỏi doanh nghiệp phải “xanh” trong xuất khẩu, đáp ứng xu hướng phát triển bền vững của thế giới như bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính…
Nguồn: https://tuoitre.vn/thuong-hieu-quoc-gia-vinamilk-ghi-dau-an-o-thi-truong-quoc-te-ra-sao-20241105123920777.htm