Hãng AFP đưa tin thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) ghi nhận ngày nóng nhất tháng 5 trong vòng hơn 100 năm vào ngày 29.5, vượt kỷ lục cũ 1 độ C.
Các nhà khoa học cho rằng tình trạng nóng lên toàn cầu đang làm tồi tệ hơn những hiện tượng thời tiết bất lợi, với nhiều nước trải qua những đợt nắng nóng chết người và nhiệt độ lập các kỷ lục khắp Đông Nam Á và Nam Á trong vài tuần qua.
Theo Cơ quan Khí tượng Thượng Hải, vào lúc 13 giờ 9 phút (giờ địa phương) ngày 29.5, nhiệt độ tại trạm xe điện ngầm Từ Gia Hối là 36,1 độ C, vượt kỷ lục 100 năm về mức nhiệt cao nhất trong tháng 5.
Nhiệt độ tại trạm Từ Gia Hối sau đó còn tăng lên mức 36,7 độ C, vượt kỷ lục cũ là 35,7 độ C ghi nhận 4 lần trước đó là vào các năm 1876, 1903, 1915 và 2018.
Cư dân Thượng Hải chịu đựng nắng nóng gay gắt vào đầu giờ chiều, với một số ứng dụng cho thấy nhiệt độ “cảm giác giống như” hơn 40 độ C. “Tôi gần như bị sốc nhiệt. Nóng đến mức đủ để bùng nổ”, một người viết trên mạng xã hội.
Đông Nam Á nắng nóng bao trùm, nhưng bão lớn có thể thường xuyên hơn
Hồi giữa tháng 4, nhiều nơi ở Ấn Độ ghi nhận nhiệt độ trên mức 44 độ C, với ít nhất 11 trường hợp thiệt mạng trong một ngày tại Mumbai do sốc nhiệt. Tại Bangladesh, thủ đô Dhaka trải qua đợt nóng nhất trong gần 60 năm.
Tại Thái Lan, thành phố Tak ghi nhận mức nhiệt 45,4 độ C hôm 14.4, trong khi tỉnh Sainyabuli ở Lào ghi nhận nhiệt độ 42,9 độ C hôm 19.4.
Báo cáo mới đây của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) cảnh báo rằng “mọi sự gia tăng của tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ tăng cường nhiều mối nguy hiểm cùng lúc”.
Liên Hiệp Quốc cảnh báo gần như chắc chắn rằng giai đoạn 2023-2027 sẽ là khoảng thời gian 5 năm nóng nhất từng được ghi nhận, khi khí nhà kính và hiện tượng El Nino kết hợp với nhau khiến nhiệt độ tăng vọt.