Việc hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung gặp mặt bên lề hội nghị APEC đã phần nào đưa quan hệ song phương trở lại trạng thái thăng bằng, song mối quan hệ này còn tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Trước thềm cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở California vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã một lần nữa khẳng định quan hệ Mỹ – Trung là “mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới”. Đây là điều ít ai có thể phủ nhận.
Gần như trong mọi vấn đề lớn nhỏ ở quy mô khu vực và toàn cầu, sự đồng lòng nhất trí giữa Mỹ và Trung Quốc luôn là động lực lớn thúc đẩy các nước vừa và nhỏ hợp tác thực chất. Ngược lại, cạnh tranh gay gắt và kéo dài giữa hai siêu cường tạo ra môi trường chiến lược đầy bất định, đồng thời gia tăng đáng kể nguy cơ xung đột xảy ra.
Vì vậy, việc các nhà lãnh đạo của hai siêu cường nối lại kênh đối thoại là một điểm sáng rõ rệt trong bức tranh chính trị phức tạp hiện nay.
“Giải mã” thời điểm thượng đỉnh Tập Cận Bình – Joe Biden
Trước khi cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng có thể kỳ vọng vào một số bước cải thiện quan hệ khiêm tốn nhưng thực chất trong các lĩnh vực ít nhạy cảm mà hai bên cùng quan tâm.
Theo các dự báo, trọng tâm chính của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo vẫn là ngăn chặn quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục xấu đi, thậm chí rơi vào trạng thái mất kiểm soát có thể dẫn tới leo thang xung đột.
Những lo ngại về kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế của Trung Quốc dường như đang gặp nhiều thách thức và có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn trước, được cho là sẽ phủ bóng chương trình nghị sự.
Cụ thể hơn, các nhà quan sát nhận định rằng ông Tập sẽ thể hiện một lập trường mềm dẻo, cởi mở hơn về kinh tế – thương mại thông qua kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tăng cường làm ăn và đầu tư vào Trung Quốc, tìm cách nối lại hợp tác kinh tế và kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden xem xét lại các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ và thuế quan từ thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Đối với phía Mỹ, việc nối lại kênh liên lạc giữa quân đội hai nước là một ưu tiên lớn, nhằm quản trị rủi ro, tránh các sự cố ngoài ý muốn có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng quân sự ngoài ý muốn của bất kỳ bên nào.
Ngoài ra, vấn đề Đài Loan cũng được cho là một chủ đề thảo luận quan trọng, bởi hai bên có quan điểm tương đối khác biệt về hòn đảo này và nếu không được quản trị tốt, nó có thể trở thành điểm nóng gần như bất kỳ lúc nào.
Nhìn chung, mục tiêu bao trùm của cả hai bên khi gặp nhau ở cấp cao nhất là thu hẹp khoảng cách trong nhận thức về thực trạng của mối quan hệ cũng như cục diện thế giới và các khu vực trọng yếu, từ đó tìm lại điểm cân bằng cho quan hệ Mỹ – Trung, đảm bảo hai bên cạnh tranh lành mạnh và có trách nhiệm.
Những điều này không bất ngờ đối với giới quan sát. Trên thực tế, lãnh đạo hai nước đều khá cởi mở về những mong muốn của mình và những lợi ích quốc gia chính yếu của cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa thay đổi gì trong những năm vừa qua.
Trên lý thuyết, Chủ tịch Tập và Tổng thống Biden đã có thể gặp nhau sớm hơn để hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ hai nước. Vì vậy, việc lãnh đạo cấp cao Mỹ – Trung gặp nhau tại thời điểm này phản ánh nhiều tính toán phức tạp về cả đối nội lẫn đối ngoại của cả hai.
Thứ nhất, nhiều khả năng hai bên gặp nhau ở thời điểm này (chứ không phải sớm hơn) là kết quả của việc cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn đánh giá chính xác mong muốn đối thoại thực chất của bên kia, đồng thời chờ đợi những dấu hiệu nhượng bộ từ phía đối phương, từ đó giành được lợi thế trong đàm phán.
Nói cách khác, lãnh đạo hai bên đã có thể gặp nhau sớm hơn nhưng quyết định chờ đợi để chọn thời điểm có lợi cho mình nhất.
Sự “kiên nhẫn chiến lược này” có thể được xem như một hình thức đàm phán thầm lặng, trong đó các hành động, chính sách, thậm chí những dấu hiệu thờ ơ sẽ gửi đi thông điệp về lập trường và quyết tâm của mỗi quốc gia.
Do đó, độ trễ của cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo rất có thể là một quyết định có chủ ý của cả hai bên nhằm tối đa hóa sức mặc cả trước khi quá trình đàm phán thực sự diễn ra.
Thứ hai, bối cảnh chính trị trong nước phức tạp đang tạo ra áp lực lớn cho cả hai bên để đưa quan hệ Mỹ – Trung về trạng thái thăng bằng.
Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, họ hiểu rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có mức độ lệ thuộc lẫn nhau rất cao và trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, việc khôi phục lại quan hệ thương mại với Mỹ là một trong những ưu tiên hàng đầu để duy trì tăng trưởng cho Trung Quốc.
Cuộc gặp này cũng sẽ củng cố uy tín của ông Tập và khẳng định vai trò của ông trong quá trình ra quyết sách đối ngoại ở một thời điểm khá nhạy cảm của nền chính trị Trung Quốc.
Trong khi đó, từ góc nhìn của ông Biden, việc đưa quan hệ với Trung Quốc về một quỹ đạo ổn định và dễ đoán sẽ cho ông lợi thế trong cuộc bầu cử 2024. Việc đạt được các thỏa thuận thực chất với Trung Quốc nhằm giải quyết các vấn đề đối nội sẽ nâng cao uy tín của ông Biden trong mắt của cử tri Mỹ nói chung và đảng Dân chủ nói riêng, cho thấy ông là một người có thể “cầm chắc tay lái” ở những giai đoạn khó khăn, nhiều biến động.
Cuối cùng, việc hai bên quyết định gặp nhau nhân dịp hội nghị APEC cũng là một cách để quản trị kỳ vọng và quản trị rủi ro cho cả hai. Điều này vừa giảm bớt sự phức tạp trong khâu chuẩn bị hậu cần, vừa giảm thiểu dư luận tiêu cực trong trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung và không đạt được các thỏa thuận đáng kể.
Tác động tới cục diện thế giới và khu vực
Cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ đơn giản là một hoạt động ngoại giao đơn thuần; đó là một bước quan trọng nhằm ổn định quan hệ Mỹ – Trung.
Theo nghiên cứu của GS. Keren Yarhi-Milo (Đại học Columbia, Mỹ), những cuộc gặp mặt trực tiếp giữa các nguyên thủ có giá trị rất lớn vì chúng cho phép hai bên truyền tải những nội dung và sắc thái thông điệp mà khó tái tạo được thông qua các cấp thấp hơn hoặc các kênh gián tiếp.
Sự tương tác trực tiếp giúp các nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất “đo lường” được phản ứng của nhau, cũng như hiểu rõ hơn về ý định, ưu tiên, cũng như lằn ranh đỏ của nhau.
Đối với ông Biden và ông Tập, cuộc gặp này đặc biệt quan trọng bởi nó tạo ra cơ hội để hai người bạn cũ “ôn lại kỷ niệm xưa”, từ đó củng cố mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo – một yếu tố có thể đóng vai trò hết sức quan trọng trong các thời điểm khủng hoảng – trong bối cảnh mọi sự hiểu lầm hoặc suy diễn theo hướng tiêu cực có thể để lại hậu quả khôn lường.
Về kết quả cụ thể, hai bên đã đồng ý khôi phục lại kênh liên lạc giữa hai quân đội, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác chống biến đổi khí hậu, cũng như tiếp tục thảo luận thêm về vấn đề kiểm soát trí tuệ nhân tạo.
Những kết quả đạt được cho thấy lãnh đạo cả hai nước có lợi ích trong việc giảm căng thẳng và chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu.
Bên cạnh đó, tại buổi tiệc chiêu đãi với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, ông Tập Cận Bình cũng tái khẳng định “Trung Quốc dù phát triển tới đâu cũng sẽ không bao giờ theo đuổi bá quyền hay áp đặt ý chí của mình lên nước khác. Trung Quốc không tìm kiếm “sân sau” và sẽ không tiến hành chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng nhằm vào bất kỳ ai”.
Về phía Mỹ, ông Biden khẳng định Mỹ tôn trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc” và không mong muốn xung đột với Trung Quốc. Các cam kết này góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy ổn định chiến lược ở cả cấp độ toàn cầu lẫn khu vực bởi nó gửi tín hiệu khá rõ rằng, Trung Quốc không tìm cách “soán ngôi” siêu cường số một của Mỹ và cũng không ưu tiên việc cạnh tranh với Mỹ bằng việc tập trung cho phát triển nội lực của mình.
Ngược lại, Mỹ sẽ tiếp tục cạnh tranh nhưng trong giới hạn cho phép và vẫn xem Trung Quốc như một đối tác tiềm năng trong nhiều vấn đề. Điều này sẽ ít nhiều giảm bớt sự nghi kỵ ở cả Bắc Kinh và Washington về ý đồ của cả hai bên, thậm chí có thể dẫn tới một số điều chỉnh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm cả việc giảm áp lực chọn bên lên các nước vừa và nhỏ trong khu vực.
Việc quan hệ Mỹ – Trung hạ nhiệt sẽ khó tác động được đến diễn biến trên chiến trường Ukraine, song có thể có những tác động tích cực nhất định tới xung đột ở Dải Gaza.
Trung Quốc ngày càng trở thành một nhân tố có ảnh hưởng ở Trung Đông, đồng thời có quan hệ tương đối hữu hảo với Iran, do đó có thể góp phần hạn chế khả năng xung đột hiện nay lan rộng thành một cuộc chiến quy mô khu vực, đồng thời thúc đẩy đối thoại và một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.
Nhìn chung, những điểm đồng thuận mà hai bên đạt được qua cuộc gặp thượng đỉnh Joe Biden – Tập Cận Bình là dấu hiệu tích cực, cho thấy hai siêu cường có thể tạm “gác tranh chấp” để cùng nhau ứng phó với những vấn đề thuộc mối quan tâm của cả hai.
Quỹ đạo quan hệ Mỹ – Trung hậu APEC 2023
Để quan hệ Mỹ – Trung tận dụng được duy trì được đà hợp tác hiện nay và tiếp tục phát triển bền vững theo hướng đôi bên cùng có lợi, sẽ cần có nhiều yếu tố phụ trợ trong thời gian tới. Một trong những yếu tố chủ chốt sẽ là quyết tâm “giảm bớt rủi ro” (de-risk) của Mỹ và các đồng minh.
Nếu các nước này quyết tâm rời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc để giảm thiểu khả năng bị tổn thương trong một cuộc thương chiến trong tương lai thì quan hệ Mỹ – Trung sẽ có thể xấu đi nhanh chóng. Tuy nhiên điều này không nhất thiết phải xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang khó khăn và cả hai bên đều có nhu cầu hợp tác.
Yếu tố thứ hai là những diễn biến kinh tế, địa chính trị ở châu Á nói chung và ở Trung Quốc nói riêng. Điều quan trọng nhất ở đây là việc có sự kiện bất ngờ nào xảy ra ở khu vực này trong thời gian tới hay không.
Để quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục phát triển theo một quỹ đạo tích cực cần tránh được những sự cố “thiên nga đen”, khó đoán trước nhưng lại có tác động hết sức sâu rộng. Ở thời điểm này, có lẽ ẩn số lớn nhất vẫn là “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc.
Một Trung Quốc tăng trưởng tốt sẽ là một yếu tố quan trọng giúp bình ổn quan hệ Mỹ – Trung nói riêng và cục diện khu vực châu Á nói chung.
Cuối cùng là kết quả của bầu cử Mỹ năm 2024. Việc ông Biden tái đắc cử nhiều khả năng sẽ đồng nghĩa với sự kế tục trong chính sách, củng cố quỹ đạo quan hệ hiện nay.
Ngược lại, một sự thay đổi trong chính quyền, đặc biệt nếu ông Donald Trump thắng cử, nhiều khả năng sẽ đảo ngược mọi tiến bộ hợp tác và gây leo thang căng thẳng. Kết quả của cuộc bầu cử không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ Mỹ – Trung mà còn ảnh hưởng đến các chính sách khác của Mỹ, như thương mại, quốc phòng và các liên minh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, làm thay đổi đáng kể cấu trúc đang định hình ở khu vực này.
Ngô Di Lân là Tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế (Đại học Brandeis, Mỹ). Các mối quan tâm nghiên cứu chính bao gồm: an ninh quốc tế, xung đột vũ trang, tác động của AI đối với quan hệ quốc tế và các ứng dụng của AI trong hoạch định chiến lược & chính sách an ninh quốc gia.