Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đem lại một số kết quả tích cực nhưng vẫn cần quan sát thực tế quá trình triển khai trong tương lai.
Sau cuộc gặp kéo dài hơn 4 giờ hôm 15/11, ông Biden và ông Tập đã cùng rời bàn đàm phán với những điều mà cả hai đều có thể coi là thắng lợi cá nhân, dù chúng chỉ là “quả mọc cành thấp” dễ với trong quan hệ Mỹ – Trung.
Phát biểu sau đó, Tổng thống Mỹ nói rằng buổi hội đàm với ông Tập đã bao gồm “những cuộc trao đổi hiệu quả và xây dựng nhất chúng tôi từng thực hiện”. Ông Biden cho biết ông Tập đã nhất trí duy trì liên lạc giữa hai nước và 2 nhà lãnh đạo còn có thể “nhấc điện thoại lên gọi thẳng cho nhau”.
Trong khi đó, ông Tập khẳng định “Trái đất đủ lớn” cho cả 2 cường quốc, đồng thời nhấn mạnh cả Mỹ và Trung Quốc rất khác nhau nhưng “hoàn toàn có thể vượt lên trên sự khác biệt”.
“Cả hai nhà lãnh đạo rõ ràng đều mong muốn tạo dựng nền tảng vững chắc cho quan hệ Mỹ – Trung để tránh leo thang và xung đột”, ông Daniel Sneider, giảng viên Nghiên cứu Á Đông tại Đại học Stanford (Mỹ), nói với phóng viên Dân trí.
Hai “thắng lợi” chính cho ông Biden
Ông Sneider cho rằng kết quả quan trọng nhất sau cuộc gặp hôm 15/11 là việc Washington và Bắc Kinh nhất trí nối lại đối thoại quân sự cấp cao, vốn đã bị cắt đứt từ sau chuyến thăm đảo Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi ấy là bà Nancy Pelosi.
Nếu không có đường dây liên lạc như vậy, bất cứ sự cố nào giữa quân đội 2 nước cũng có thể làm bùng nổ thêm xung đột, trong bối cảnh Mỹ phải cùng lúc đối mặt 2 cuộc khủng hoảng tại Ukraine và Dải Gaza, còn Trung Quốc cần tập trung lèo lái nền kinh tế trong nước.
Đổi lại, Mỹ xóa tên Viện Khoa học Pháp y trực thuộc Bộ Công an Trung Quốc khỏi danh sách trừng phạt thương mại.
Bên cạnh 2 thỏa thuận trên, Mỹ – Trung còn đạt một số cam kết nhỏ nhưng nhìn chung tích cực khác như nhất trí trao đổi về kiểm soát nguy cơ từ trí tuệ nhân tạo, tăng số chuyến bay thẳng giữa 2 nước, và khởi động trao đổi về việc gia hạn thỏa thuận hợp tác khoa học – công nghệ Mỹ – Trung…
“Chúng ta phải nhìn nhận thành thật rằng kết quả trên có lẽ nhỏ hơn những gì thường thấy sau các cuộc gặp thượng đỉnh lớn khác”, ông Zack Cooper, học giả nghiên cứu về cạnh tranh Mỹ – Trung tại Viện Doanh nghiệp Mỹ AEI, nói với phóng viên Dân trí.
Theo ông Cooper, Trung Quốc đã đồng ý nối lại đối thoại quân sự cấp cao, điều này không đảm bảo các cuộc trao đổi sau đó sẽ hiệu quả.
Và nếu trở lại quá khứ, có thể thấy rằng Trung Quốc cũng từng đưa ra cam kết tương tự về việc kiểm soát fentanyl, cả dưới thời Tổng thống Obama và Tổng thống Trump, nhưng vấn đề này tới nay vẫn tồn tại.
Dù vậy, ông Biden và Nhà Trắng vẫn có thể coi đây là tiến triển đã đạt được trong mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc trước thềm cuộc bầu cử khó khăn trong năm 2024.
Thắng lợi cho ông Tập
“Ông Tập đến San Francisco với 2 sứ mệnh: Ổn định quan hệ với Mỹ để có thể giải quyết các vấn đề trong nước và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào nền kinh tế Trung Quốc”, ông Daniel Russel, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Asia Society về An ninh và Ngoại giao Quốc tế, nói với phóng viên Dân trí.
Chủ tịch Trung Quốc đã có cơ hội thực hiện 2 ưu tiên ấy. Gặp ông Biden, ông Tập khẳng định Trung Quốc không dự định vượt qua hoặc thay thế Mỹ, đồng thời đề nghị Mỹ bỏ ý định kiềm chế Trung Quốc.
Về vấn đề Đài Loan, ông Tập nhắc lại Mỹ nên dừng ủng hộ hòn đảo này độc lập và cung cấp vũ khí. Ông Biden sau đó đã có hành động mà phía Trung Quốc cần chứng kiến xảy ra, đó là việc tái khẳng định lập trường của Mỹ tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc”.
Gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, trong bối cảnh đầu tư nước ngoài vào xứ tỷ dân gần đây đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 1998.
“Chúng tôi vẫn cam kết theo đuổi sự phát triển với cánh cửa luôn rộng mở”, ông Tập nói, theo Xinhua. “Trung Quốc đã trở nên đồng nghĩa với điểm đến đầu tư tốt nhất và “Trung Quốc tiếp theo” vẫn là Trung Quốc”.
Lời kêu gọi đầu tư của ông Tập có hiệu quả ra sao là vấn đề cần được tương lai kiểm chứng. Zhang Lei, doanh nhân Trung Quốc sở hữu công ty được niêm yết trên sàn NASDAQ, cho biết các cuộc gặp cấp cao như giữa ông Biden và ông Tập có thể giúp trấn an các công ty đang do dự đầu tư vào Trung Quốc.
“Đối đầu không có tác dụng”, ông nói với AP. “Bạn không kiếm được tiền từ những cuộc đối đầu”.
Có lẽ “thắng lợi” quan trọng nhất của ông Tập khi tới San Francisco chính là về vị thế ngoại giao, là sự tiếp đón trọng thị từ phía Mỹ. Khi người dân Trung Quốc theo dõi cuộc gặp này, điều mà họ nhiều khả năng sẽ thấy là cảnh ông Biden niềm nở tiếp đón ông Tập tại lối vào điền trang Filoli.
Xinhua đã dành riêng một bài viết về khoảnh khắc ông Biden cho ông Tập xem bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Trung Quốc cách đây 38 năm, trong lần đầu thăm Mỹ.
“Ông có biết người thanh niên này không?”, ông Biden hỏi và nhận được câu trả lời xác nhận từ ông Tập.
“Trông ông chẳng thay đổi chút nào”, Tổng thống Mỹ đùa, tạo ra tràng cười vui vẻ trước khi bắt đầu buổi tiệc trưa chiêu đãi Chủ tịch Trung Quốc.
Giây phút cá nhân vui vẻ giữa hai nhà lãnh đạo: Tổng thống Mỹ Joe Biden cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem bức ảnh chụp ông Tập cách đây 38 năm, trong lần đầu tiên ông tới Mỹ (Ảnh: Xinhua).
Thách thức lớn phía trước
Ngay từ trước khi chuyến thăm diễn ra, giới chuyên gia đều không kỳ vọng đột phá lớn từ cuộc gặp thượng đỉnh lần này. Các kết quả đạt được sau hôm 15/11 cũng chưa đả động tới những vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ Mỹ – Trung, từ đó cho thấy 2 bên còn nhiều điểm khác biệt.
Ông Cooper là một trong những người lo ngại rằng Mỹ – Trung vẫn chưa hiểu nhau và mối quan hệ này sẽ gặp thách thức trước thềm cuộc bầu cử trên đảo Đài Loan và bầu cử tổng thống Mỹ trong năm 2024, hay trước diễn biến ngoài mong muốn như sự cố khí cầu đầu năm nay.
Trong khi ông Tập muốn đóng khung quan hệ 2 nước là sự hợp tác cùng có lợi và chung sống hòa bình, ông Biden khẳng định Mỹ vẫn sẽ “cạnh tranh mạnh mẽ” với Trung Quốc, theo ông Cooper.
“Tôi cảm giác phía Trung Quốc đang dần nhận ra rằng quan hệ Mỹ – Trung khó có sự cải thiện lâu dài vì 2 nước có tầm nhìn rất khác nhau”, ông Cooper nói. “Vì thế, cho đến khi có sự đồng thuận lớn hơn, cả hai bên sẽ phải chấp nhận rằng điều tốt nhất có lẽ là quản lý mối quan hệ, chứ không phải thực sự cải thiện nó”.
Ông Russel thuộc Asia Society cũng cho rằng cuộc gặp hôm 15/11 sẽ không làm thay đổi hình thái cơ bản của mối quan hệ cạnh tranh Mỹ – Trung, nhưng giọng điệu của các bên đã có sự thay đổi theo hướng tích cực.
“Sau một năm im lặng với Washington, việc ông Tập ngồi xuống nói chuyện trực tiếp với ông Biden về cách 2 nước sẽ quản lý quan hệ trong năm tới là bước tiến lớn”, ông Russel nói.