Sau nhiều nỗ lực của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, không thể phủ nhận tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã giảm, không còn diễn ra thường xuyên như cách đây 10 năm.
Tuy vậy, vấn nạn vi phạm về môi trường tại một số doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp vẫn còn là nỗi lo của không ít địa phương.
Minh chứng là trong nửa đầu năm 2024, các cơ quan chức năng tại các địa phương đã phát hiện nhiều vụ vi phạm về môi trường xảy ra tại các doanh nghiệp và khu công nghiệp phía Nam như Công ty TNHH Kbec Vina (Bà Rịa – Vũng Tàu); Công ty TNHH Sun Duck Vina (tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2 tỉnh Bình Dương), Khu công nghiệp Minh Hưng – Hàn Quốc (Bình Phước)… Thậm chí, có doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, như trường hợp của Công ty TNHH Kbec Vina tại Bà Rịa – Vũng Tàu (3 lần trong 2 năm), với số tiền phạt lên đến hàng tỷ đồng. Điều đáng nói là, doanh nghiệp này chuyên xử lý ô nhiễm môi trường, nhưng lại tiếp tay “bức tử” môi trường.
Không chỉ vi phạm trong việc xả nước, khí thải, vấn đề rác thải rắn cũng chưa được xử lý triệt để tại một số khu công nghiệp.
Các quy định về bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp hiện khá chặt chẽ và đầy đủ trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các nghị định liên quan. Thế nhưng, do muốn giảm chi phí vận hành hệ thống bảo vệ môi trường, nên nhiều doanh nghiệp vẫn bất chấp, tìm đủ mọi cách để gian lận như chôn lấp, đổ, đốt chất thải trái quy định. Một số doanh nghiệp còn dùng “chiêu” chôn ngầm đường ống không qua hệ thống xử lý nước thải, lợi dụng khi trời mưa để xả thải ra môi trường.
Thực trạng trên đòi hỏi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải sớm có biện pháp xử lý. Vừa qua, nhiều địa phương ở phía Nam đã bắt đầu chuyển đổi công năng các khu công nghiệp để thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Riêng TP.HCM đã có kế hoạch chuyển đổi 5 khu công nghiệp (gồm Tân Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu); Đồng Nai thì lên kế hoạch di dời toàn bộ Khu công nghiệp Biên Hòa 1 vào cuối năm 2025; Bình Dương cũng xây dựng kế hoạch di dời một số khu công nghiệp lâu đời cùng những doanh nghiệp nằm trong khu dân cư vào khu công nghiệp tập trung để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường…
Song, một trong những giải pháp hữu hiệu nhất, được xem là “thuốc đặc trị” vấn nạn ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp chính là phải sớm hình thành các khu công nghiệp sinh thái, đồng thời thu hút thêm dự án công nghệ thân thiện với môi trường. Loại thuốc đặc trị này tuy đòi hỏi chi phí đầu tư lớn hơn, nhưng là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong bối cảnh hiện nay, bởi các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng khắt khe khi lựa chọn điểm đến đầu tư, muốn rót vốn vào những khu công nghiệp sạch, có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Trong bối cảnh Việt Nam muốn thu hút thêm dòng vốn chất lượng cao, thì việc phát triển khu công nghiệp xanh không còn là trào lưu, mà là yêu cầu bắt buộc. Hơn thế, nói như ông Hardy Diec, Giám đốc điều hành KCN Việt Nam, thì “việc xây dựng các khu công nghiệp xanh không chỉ dừng lại như một xu hướng, mà thực tế, đây chính là con đường tất yếu để hướng tới một nền công nghiệp bền vững”.
Nguồn: https://baodautu.vn/thuoc-tri-o-nhiem-moi-truong-d221158.html