Hàng chục nghìn hội nghị ở các cấp, các ngành, các địa phương, hàng triệu lượt ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật vô cùng quan trọng này. Người dân dành sự quan tâm lớn như vậy bởi vì đây là bộ luật liên quan thiết thực nhất đến cuộc sống của mình, như cha ông ta từng nói: “hôn nhân, điền thổ vạn cổ chi thù”, nghĩa là, chuyện hôn nhân và đất đai nếu không làm cho đúng pháp luật, cho kĩ lưỡng, cho khéo léo, có thể dẫn đến mâu thuẫn, hận thù muôn đời.
Luật Đất đai 2013 trong những năm đầu đưa vào thực hiện đã đáp ứng được nhiệm vụ chính trị và phù hợp với tình hình lúc bấy giờ. Nhưng thực tiễn luôn luôn vận động. Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế – xã hội, thị trường bất động sản, đầu tư công, vấn đề xử lý tài sản công, khiến cho các quy định của luật chưa đáp ứng được. Những bất cập đó vô hình trung gây ra những hậu quả không nhỏ. Đất đai trở thành miếng mồi béo bở để cho những cán bộ, công chức thoái hóa biến chất thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đáng tiếc trong số đó có những cán bộ cấp cao. Có thể nói, không có tham nhũng nào lớn bằng tham nhũng đất đai. Không có lãng phí nào lớn bằng lãng phí về đất đai. Vì vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) đang được kỳ vọng là liều thuốc quý đặc trị bệnh tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là trục lợi chính sách từ đất đai.
Có thể thấy, tình trạng buông lỏng quản lý, vi phạm về quản lý đất đai kéo dài, gây thất thoát, lãng phí rất lớn. Cả nước có hàng nghìn “dự án treo”. Không ít doanh nghiệp và cán bộ địa phương móc ngoặc, tìm cách trục lợi thông qua các dự án về đất đai.
Xin điểm qua một số vụ điển hình: Đó là vụ hàng trăm ha đất chuyển giao cho các doanh nghiệp tư nhân không qua đấu giá ở tỉnh Đồng Nai, kéo dài suốt hàng chục năm trời; vụ “bán rẻ” 32ha đất ở huyện Nhà Bè; vụ ký giao, cho thuê không qua đấu giá gần 5.000m2 ở khu đất “vàng” thuộc quận 1, TP.HCM. Ở Hà Nội có vụ “xẻ thịt” gần 10.000m2 nhà đất; vụ khu nhà chuyên dùng được một bộ thuê của TP. Hà Nội làm khu liên cơ – nơi làm việc của 9 đơn vị trực thuộc. Thuê mà không thu được tiền. Cả 9 đơn vị đều nợ đọng, không trả tiền thuê nhà cho Nhà nước. Mặc dù chây ỳ tiền thuê đất, nhưng hầu hết các đơn vị đều cơi nới và cho thuê lại mặt bằng để… kinh doanh.
Đó là những khoảng tối rất đáng buồn. Nguồn tin từ Bộ Tài chính cho hay, gần 200 nghìn tỷ đồng là số tiền thu được mỗi năm từ việc khai thác, xử lý tài sản công, thu từ giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất thuộc tài sản công. Số tiền này tương đương 12 đến 14% tổng thu ngân sách hàng năm.
Xin thưa rằng, khoản thu này sẽ lớn hơn rất nhiều nếu như nhà đất công trên cả nước không bị “xẻ thịt”, không bị cho thuê lại… để hưởng những món lợi kếch xù, mà phần nhiều chui vào túi những cán bộ tha hóa. Chẳng ai còn lạ trò “bưng mắt bắt chim”. Họ biết sai đấy nhưng vẫn “tai lành tai điếc” để kiếm những khoản tiền lớn bất chính mà thôi. Nếu như cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm qua không được tiến hành một cách quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thì tệ nạn tham nhũng đất đai còn diễn biến phức tạp và trắng trợn hơn nữa. Hầu hết những bị cáo khi ra trước tòa đều sám hối, nhận rõ lỗi lầm, và nói rằng, đây là bài học đau xót đối với họ, mong mọi người đừng vấp phải.
Cần phải lập lại trật tự kỷ cương trên “mặt trận” quản lý đất đai. Tuân thủ pháp luật, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh kịp thời là giải pháp thiết thực hạn chế sai phạm, ngăn ngừa tệ tham nhũng, cảnh tỉnh những ai đó “máu tham hễ thấy hơi đồng là mê”. Càng thấm thía điều cổ nhân đã dặn: dập lửa không chỉ để chữa cháy mà còn là để khỏi lan sang nhà mình.
Và ngay khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua thì việc hướng dẫn thi hành luật, việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện, việc giáo dục đạo đức công vụ vẫn phải được tiến hành thường xuyên. Không có liều thuốc quý nào phát huy tối đa công dụng nếu không có người kê đơn thuốc giỏi; cũng như không có luật nào tuyệt đối hoàn hảo khi người thừa hành luật, người có chức quyền thiếu lương tâm, bản lĩnh.