Tuy vậy, các quy định trong Thông tư chưa phải là “liều thuốc” duy nhất để giải quyết triệt để vấn đề mà cần phải đồng bộ nhiều giải pháp mới có thể trị bệnh tận gốc.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm vừa được Bộ GD&ĐT ban hành, ngay từ nguyên tắc đã thể hiện quan điểm đúng và trúng, đó là dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu, tự nguyện. Tuy vậy, ông Lâm cũng thẳng thắn đánh giá, các quy định trong Thông tư 29 chưa phải là “liều thuốc” để giải quyết triệt để vấn đề lạm dụng dạy thêm, học thêm hiện nay. Lý do là hiện nay, dù đang thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được một chặng đường với yêu cầu mới, đó là giảm nhẹ truyền thụ kiến thức một chiều, thay đổi phương pháp để hình thành, phát triển năng lực học sinh nhưng thực tế các nhà trường, phụ huynh, học sinh vẫn chạy đua với điểm số, thi cử, các loại bằng cấp, chứng chỉ…
Bên cạnh đó, hiện vẫn tồn tại các loại hình trường học khác nhau, chất lượng các nhà trường không đồng đều, cơ sở vật chất nơi rộng rãi, nơi nhỏ hẹp, nơi được đầu tư, nơi còn hạn chế… do đó, phụ huynh luôn có nhu cầu chọn trường tốt, lớp tốt cho con dẫn đến việc chạy đua điểm số tốt để đáp ứng điều kiện tuyển sinh đầu vào. Ngoài ra, cũng cần phải đảm bảo một số yếu tố quan trọng, cốt lõi đó là việc kiểm tra, đánh giá thi cử cần phải đổi mới thực chất; giáo viên phải “sống” được bằng lương, yên tâm với nghề mới không chân trong, chân ngoài dạy chính, dạy thêm và việc quản lý các trung tâm dạy thêm ngoài nhà trường cũng cần có sự chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.
TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, để thực sự giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc dạy thêm tràn lan, cần đồng bộ nhiều giải pháp thay vì chỉ đơn thuần quản lý hiện tượng này. Theo phân tích của ông Vinh, một giải pháp thực sự hiệu quả cho vấn đề dạy thêm phải bắt đầu từ việc đặt câu hỏi: Tại sao học sinh lại cần học thêm? Câu trả lời thường xoay quanh áp lực thi cử, sự thiếu tự tin vào hệ thống giáo dục chính quy, và kỳ vọng xã hội về việc đạt điểm cao hoặc vào các trường danh tiếng.
Thực tế trên cho thấy, trọng tâm của giải pháp không phải chỉ nằm ở việc kiểm soát dạy thêm mà cần thay đổi cách thiết kế hệ thống giáo dục để giảm thiểu áp lực này – trách nhiệm này thuộc ngành giáo dục cấp trung ương và địa phương. Trong đó cần tập trung cải cách các kỳ thi, chuyển đổi cách đánh giá học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục trong trường học. Để thay đổi, ngoài việc phải mở rộng quy mô, số lượng trường THPT công lập và tư thục còn cần xây dựng một hệ thống đánh giá toàn diện hơn, không chỉ dựa vào các bài kiểm tra kiến thức mà còn đánh giá kỹ năng mềm, khả năng tư duy và thành tích trong các hoạt động thực tế.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào hệ thống giáo dục nghề và các lựa chọn thay thế cho con đường học vấn phổ thông truyền thống cũng là một yếu tố then chốt. Hiện nay, nhiều cha mẹ học sinh vẫn có tâm lý chuộng bằng cấp và coi thường học nghề. Tâm lý phân biệt giá trị bằng THPT và bằng trung cấp nghề còn phổ biến trong xã hội. Vì vậy rất cần thay đổi quy định để chỉ còn một loại bằng trung học có giá trị tùy theo nhu cầu sử dụng như hầu hết các quốc gia khác để thu hút học sinh vào trường nghề. Khi hệ thống giáo dục nghề trở nên hấp dẫn hơn, áp lực dồn lên hệ thống trường công lập phổ thông sẽ giảm, từ đó giảm bớt nhu cầu học thêm để cạnh tranh vào học lớp 10 công lập…
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thừa nhận, việc học thêm và dạy thêm hiện bị ảnh hưởng nhiều bởi kết quả kiểm tra, đánh giá. Nếu chúng ta không thay đổi mà vẫn tiếp cận kiểm tra, đánh giá dựa chủ yếu vào nội dung, đánh giá việc ghi nhớ kiến thức thì nhu cầu học thêm và lạm dụng học thêm vẫn chưa thể dứt điểm vì vấn đề là học sinh học thêm không phải để phát triển tri thức và tư duy phản biện mà chỉ để đảm bảo đạt điểm cao trong các kỳ thi. Nếu vẫn tiếp cận đánh giá theo nội dung thì việc học sẽ ngày càng trở nên quá tải do tri thức của nhân loại đang sản sinh ra hàng ngày theo cấp số mũ và vượt quá khả năng tiếp thu của bất cứ ai.
Ngoài ra, ông Nam cũng cho rằng, để quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm, đặc biệt là ngoài nhà trường hiện nay, cần phải dựa vào hệ thống công nghệ, cần nghĩ đến một cơ chế để quản lý việc học thêm và dạy thêm trên nền tảng trực tuyến thống nhất toàn quốc và theo từng địa phương. Bất cứ một chương trình dạy thêm nào đều phải đăng ký trên hệ thống này, trong đó nêu rõ đề cương chi tiết học phần, các chuẩn đầu ra để đảm bảo không trùng với chương trình chính khóa, không trùng lắp về yêu cầu cần đạt đã được thỏa mãn trong chương trình GDPT. Các học phần dạy thêm sẽ có những hoạt động học trên hệ thống trực tuyến và có những phần học trực tiếp nhưng việc đánh giá phải được thực hiện trên hệ thống.
Những hệ thống như vậy có thể phân tích dữ liệu học tập của học sinh, đưa ra đề xuất phù hợp về thời gian học, nội dung học thêm để không quá tải và theo thiên hướng nghề nghiệp, tiềm năng của từng cá nhân. Hệ thống này cũng sẽ giúp đánh giá chất lượng dạy của giáo viên trong từng lĩnh vực cụ thể, cung cấp phản hồi để giáo viên cải tiến chất lượng giảng dạy, chia sẻ với phụ huynh về sự tiến bộ của học sinh và chia sẻ với cơ quan quản lý để đảm bảo tính minh bạch về nội dung, thời gian dạy thêm.
Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/thuoc-nao-de-tri-tan-goc-viec-lam-dung-day-them-hoc-them–i756788/