Methotrexate có khả năng ức chế miễn dịch, giúp điều trị bệnh lý tự miễn. Tuy nhiên để loại thuốc này phát huy tối ưu hiệu quả, bệnh nhân phải tuân thủ chặt chẽ liều lượng, thời gian dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Thông qua bài viết sau đây, MEDLATEC hi vọng sẽ giúp quý bạn đọc hiểu hơn về thuốc Methotrexate.
1. Thông tin khái quát về thuốc Methotrexate
Methotrexate được biết đến như một loại thuốc ức chế miễn dịch, hỗ trợ điều trị một số bệnh lý tự miễn. Dạng bào chế của Methotrexate bao gồm dạng viên nén, dung dịch tiêm hoặc dung dịch truyền, dạng bột đông khô pha tiêm.
Thuốc Methotrexate 2.5mg
2. Công dụng của thuốc Methotrexate
Methotrexate khả năng ức chế cạnh tranh Enzyme Dihydrofolate Reductase tác động đến quá trình tổng hợp ADN. Những dạng mô tăng sinh mất kiểm soát như tế bào ác tính, biểu mô da, niêm mạc,… đặc biệt nhạy cảm với Methotrexate. Nhờ đó, thuốc có thể kìm hãm sự phát triển của tế bào ác tính, hỗ trợ phục hồi các mô. Ngoài ra, Methotrexate còn giúp điều trị bệnh vẩy nến dạng nặng, thể toàn thân.
3. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng Methotrexate
3.1. Chỉ định
Hiện nay, Methotrexate là loại thuốc được chỉ định trong hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý như:
- Điều trị ung thư như ung thư bạch cầu, ung thư xương, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư biểu mô,…
- Điều trị bệnh lý viêm khớp dạng thấp ở người cao tuổi.
- Điều trị bệnh lý viêm khớp thường gặp ở người trẻ.
- Điều trị bệnh vẩy nến.
- Điều trị bệnh lý Crohn từ thể nhẹ cho đến thể trung bình.
Methotrexate có thể được chỉ định cho người bị bệnh vẩy nến
3.2. Chống chỉ định
Những trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc Methotrexate bao gồm:
- Người dị ứng hay mẫn cảm với một hoặc nhiều thành phần trong thuốc Methotrexate.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong giai đoạn cho con bú.
- Người bị suy gan nặng và suy thận nặng.
- Người đang bị nhiễm khuẩn cấp.
- Người bị thiếu máu nặng.
- Người bị biến chứng sau tăng đông máu.
4. Liều dùng và cách dùng Methotrexate
4.1. Cách dùng
Methotrexate được hấp thụ vào cơ thể qua đường uống. Thời điểm thích hợp để uống thuốc Methotrexate là sau bữa ăn. Vì nếu uống nước trong lúc đói, loại thuốc này dễ gây kích ứng dạ dày. Khi uống thuốc, bạn nên nuốt cả viên thay vì nghiền nát hoặc nhai vỡ.
Thuốc Methotrexate thích hợp uống sau bữa ăn
4.2. Liều dùng
Phụ thuộc vào từng đối tượng, liều dùng Methotrexate sẽ được điều chỉnh phù hợp với khả năng hấp thụ của cơ thể, tối ưu hiệu quả của thuốc. Liều lượng và liệu trình sử dụng thuốc đa dạng, được tính theo từng chỉ định, người bệnh và cần được điều chỉnh theo chức năng tủy xương hoặc các độc tính khác. Liều tham khảo có thể là:
- Đối với người trưởng thành: Ban đầu, liều lượng Methotrexate là 7.5mg/lần/tuần. Ở những tuần sau đó, liều dùng có thể được điều chỉnh tăng lên nhưng không quá 25mg/lần/tuần. Sau 4 đến 8 tuần đáp ứng điều trị, liều dùng Methotrexate cần được điều chỉnh giảm xuống, duy trì ở ngưỡng thích hợp.
- Đối với trẻ em: Liều dùng Methotrexate tương đương 10 đến 15 mg/m2 mỗi BSA/tuần. Trong đó, BSA là diện tích bề mặt cơ thể. Liều lượng sử dụng loại thuốc này ở trẻ nhỏ không nên quá 20mg/m2/tuần.
- Đối với người cần điều ung thư: Liều dùng Methotrexate dao động trong khoảng 20 đến 40 mg/m2 BSA.
- Đối với người bị suy thận: Nếu độ thanh thải lớn hơn 60ml/phút, liều dùng áp dụng có thể đạt 100% so với ngưỡng quy định. Nếu độ thanh thải từ 30 đến 59ml/phút, dùng áp dụng chỉ bằng 50% so với ngưỡng quy định.
Bệnh nhân phải tuân thủ liều lượng sử dụng Methotrexate theo hướng dẫn của bác sĩ
5. Tác dụng phụ của Methotrexate
Phần lớn người dùng Methotrexate đều không gặp phải tác dụng phụ. Thế nhưng, một số ít người vẫn có nguy cơ xuất hiện triệu chứng không mong muốn khi dùng loại thuốc này. Trong đó, những tác dụng phụ phổ biến nhất là đau đầu, buồn nôn, cơ thể mệt mỏi, tóc dễ rụng hơn bình thường, xuất hiện cơn đau bụng, nhạy cảm khi tiếp xúc với ánh sáng, tiêu chảy. Tác dụng phụ thể nhẹ thường mất dần khi cơ thể người bệnh thích nghi với thuốc.
Một số ít trường hợp, thuốc Methotrexate có thể khiến khả năng miễn dịch suy giảm, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng như da bầm tím, miệng lở loét, nước tiểu chuyển đen, khó thở,… bạn phải liên hệ ngay bác sĩ, hoặc tìm đến cơ sở y tế để được xử lý tránh biến chứng nguy hiểm.
6. Lưu ý khi dùng thuốc Methotrexate
6.1. Tương tác của thuốc
Methotrexate dễ tương tác với nhiều loại thuốc chống viêm không Steroid. Do vậy, người bệnh không nên dùng chung hai nhóm thuốc này với nhau.
Methotrexate có khả năng tương tác với các loại thuốc chống viêm không Steroid
Ngoài ra, nếu đang dùng kháng sinh bất kỳ loại thuốc, thực phẩm chức năng nào khác, bạn đều phải trao đổi với bác sĩ trước khi được kê đơn sử dụng Methotrexate. Bởi nếu phối hợp không đúng cách, một số loại thuốc sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của Methotrexate, giảm sút hiệu quả điều trị.
6.2. Xử lý khi quên liều hoặc uống quá liều
Với trường hợp quên liều, bạn có thể bổ sung ngay khi vừa nhớ ra. Chẳng hạn lịch uống thuốc hàng tuần vào thứ 2, nhưng thứ 3 bạn mới nhớ, bạn hãy uống thuốc ngay vào ngày hôm đó. Tuy nhiên nếu sắp đến ngày phải uống liều tiếp theo, bạn không cần bổ sung liều đã quên. Lưu ý rằng trong mọi trường hợp, bạn không được uống cùng lúc 2 liều Methotrexate.
Nếu như vô tình uống quá liều Methotrexate, bạn phải liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn xử lý. Trường hợp bị ngộ độc loại thuốc này, bệnh nhân có thể phải giải độc bằng Calcium Folinate, Hydrat, thẩm tách máu, thẩm phân phúc mạc,… tùy mức độ nghiêm trọng và theo chỉ định của bác sĩ.
6.3. Một số lưu ý khác
Để hạn chế rủi ro cũng như tối ưu hiệu quả điều trị khi sử dụng thuốc Methotrexate, bạn hãy ghi nhớ những lưu ý quan trọng dưới đây:
- Tuyệt đối không tiêm loại vắc xin sống nào nếu đang dùng thuốc Methotrexate.
- Bệnh nhân cần kiểm tra chức năng gan, thận trước khi dùng thuốc.
- Tuyệt đối tuân thủ liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Chú ý theo dõi biểu hiện của cơ thể, liên hệ bác sĩ hoặc đi khám ngay nếu nhận thấy triệu chứng bất thường.
MEDLATEC vừa giúp bạn đọc tìm hiểu thông tin khái quát về thuốc Methotrexate.
Lưu ý, phần tham khảo về liều dùng trên đây không có giá trị thay thế cho lời khuyên của chuyên gia y tế. Do đó, bạn tuyệt đối không áp dụng nếu chưa tham khảo tư vấn chi tiết của bác sĩ chuyên môn.
Nếu nghi ngờ cơ thể đang gặp vấn đề bất thường, bạn có thể tìm đến Hệ thống Y tế MEDLATEC để được bác sĩ thăm khám và tư vấn cụ thể hơn. Để lịch khám tại MEDLATEC, Quý khách hãy liên hệ theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/thuoc-methotrexate-thuoc-dieu-tri-benh-ly-tu-mien-theo-don-cua-bac-si