Kết quả kiểm tra tại Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội cho thấy, 100% công trình (đề tài, sáng kiến) được đề nghị trao Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 23 đều được nghiệm thu và áp dụng, triển khai vào thực tế. Tiêu biểu như công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo đài quang điện tử tầm xa” của nhóm tác giả thuộc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, được Hội đồng Giải thưởng đánh giá cao. Với nhiều tính ưu việt, thiết bị đã cải thiện được những nhược điểm của các ống kính quang học hiện đang được trang bị tại các trạm quan sát mắt thường, qua đó nâng cao năng lực tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm.
Công trình làm chủ được toàn bộ thiết kế quang học, cơ khí, phần cứng và phần mềm, có tính năng nổi trội và giá thành chỉ bằng hơn một nửa so với sản phẩm của nước ngoài. Sản phẩm nghiên cứu đang được áp dụng tại các đơn vị: Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân khu 1 và Quân khu 2. Công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của Tổ quốc, kết nối các trang thiết bị khí tài hiện đại của Quân đội, bảo đảm an ninh, an toàn, từng bước tự chủ, giảm phụ thuộc vào nước ngoài.
Là một trong những đơn vị có nhiều công trình được đề nghị trao giải, Học viện Kỹ thuật Quân sự khẳng định thế mạnh nghiên cứu thông qua những công trình có hàm lượng khoa học cao. Các công trình tham dự giải thưởng của tuổi trẻ Học viện được đánh giá nghiệm thu chặt chẽ từ cơ sở, nội dung nghiên cứu mới, sáng tạo, khả năng phát triển và áp dụng vào thực tiễn cao. Công trình “Hợp tác nghiên cứu, thiết kế, làm chủ công nghệ chế tạo hệ thống huấn luyện nhảy dù ứng dụng công nghệ thực tại ảo ba chiều”, do Thiếu tá Lê Anh làm chủ nhiệm, được đề nghị trao giải nhất Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 23.
Chia sẻ về kết quả ứng dụng thực tiễn, Thiếu tá Lê Anh phấn khởi cho biết: “Hệ thống đã được huấn luyện thử nghiệm tại Trung tâm Quốc gia Huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không-Không quân, được đơn vị đánh giá cao và được các cấp có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng cho thực hiện sản xuất loạt “0”, đưa vào trang bị cho một số đơn vị của Quân chủng Phòng không-Không quân”.
Với đặc thù là binh chủng kỹ thuật, các công trình tham gia giải thưởng của Binh chủng Thông tin liên lạc, nhất là những công trình đoạt giải cao được ứng dụng kịp thời trong thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế, quốc phòng, an ninh. Theo Đại tá Ngô Văn Thái, Phó chủ nhiệm Chính trị Binh chủng, ngoài việc tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước, Quân đội, nhiều công trình góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng các dịch vụ, tăng cường tính bảo mật cho hệ thống thông tin liên lạc, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, đủ khả năng làm chủ các trang thiết bị hiện đại.
Nhiều công trình của Binh chủng Thông tin liên lạc tham gia Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 23, được ứng dụng hiệu quả. Cụ thể, công trình “Hệ thống quản lý điều hành sửa chữa, sản xuất trang bị vật tư ngành thông tin toàn quân” được triển khai ở 47 đầu mối trong toàn quân và 8 đầu mối trực thuộc Binh chủng, tiết kiệm 50 triệu đồng/đầu mối. Công trình “Nghiên cứu xây dựng hệ thống hóa dữ liệu vật tư trang thiết bị ngành thông tin”, triển khai tại 47 đầu mối trong toàn quân và 14 đầu mối trực thuộc Binh chủng, tiết kiệm 40 triệu đồng/đầu mối.
Tham gia Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 23 có 600 công trình đủ điều kiện xét giải. Đại tá Trần Viết Năng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội, Phó chủ tịch Hội đồng Giải thưởng cho biết, đa số các công trình có chất lượng tốt, hiệu quả thiết thực về quốc phòng, an ninh, kinh tế-xã hội; nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có cách tiếp cận, khai thác vấn đề mới, sáng tạo, được đánh giá nghiệm thu chặt chẽ từ cơ sở; đề xuất những giải pháp kỹ thuật mới. Nhiều công trình có nội dung nghiên cứu gắn với thực tế nhiệm vụ đơn vị, khả năng phát triển và ứng dụng vào thực tiễn, nhất là trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục, đào tạo; bảo quản, bảo dưỡng, sản xuất, nâng cấp vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm vật liệu và phụ tùng thay thế; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh…
Qua kiểm tra, khảo sát của cơ quan thường trực và các đơn vị chức năng, đa số công trình tham dự Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 23 đã được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả cao, tiêu biểu là các đơn vị: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ tư lệnh 86, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân, Học viện Chính trị, Học viện Quân y, Học viện Hậu cần, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Binh chủng Thông tin liên lạc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội…
Hiệu quả ứng dụng thực tiễn là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xét tặng Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 23. Đó cũng là thước đo giá trị, minh chứng sinh động cho tính thiết thực và sức lan tỏa của giải thưởng trong hoạt động phong trào tuổi trẻ.
Bài và ảnh: KHÁNH MINH