Chiều 11.1, bác sĩ Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, 2 ngày qua bệnh viện có tiếp nhận 2 bệnh nhi bị pháo nổ được chuyển đến từ Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.
“Trong đó, một trẻ rất nguy kịch do có vết thương thủng đường thở, ổ bụng, lồng ngực. Những sang thương thủng đường thở làm cho trẻ suy hô hấp nhanh chóng. Trẻ được bệnh viện địa phương đặt ống thở, thở máy chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Bệnh nhi thứ 2 cũng có những sang thương nặng nhưng không có tổn thương đường thở”, bác sĩ Phát chia sẻ.
Hai trẻ được chụp CT chẩn đoán các tổn thương và dị vật găm vào cơ thể để tiến hành phẫu thuật can thiệp. Bé nặng hơn được hội chẩn toàn bệnh viện và hội chẩn với bệnh viện bên ngoài, thực hiện 3 cuộc phẫu thuật ở đường thở, lồng ngực ổ bụng để giữ tính mạng cho trẻ và phẫu thuật can thiệp mắt do vỡ nhãn cầu. Cháu thứ 2 cũng đã được phẫu thuật lấy mảnh vỡ máy xay sinh tố, tạm thời qua nguy kịch.
Nhiều trẻ bị tai nạn do chế tạo pháo dịp cận tết
Bác sĩ Phát cho biết, 2 tuần qua bệnh viện cũng tiếp nhận 3 trường hợp khác bị tai nạn do chế tạo pháo. Có trường hợp xuất viện nhưng vẫn phải chịu những di chứng nặng nề như hỏng một mắt, đoạn chi tay dẫn đến các khuyết tật, khó hòa nhập với cuộc sống.
“Gần đây có thể mạng xã hội xuất hiện nhiều clip chế tạo pháo khiến trẻ bắt chước và trên thị trường cũng có nhiều nguồn cung cấp chất gây nổ. Do đó 3 năm trở lại đây, hầu như cận tết mỗi năm bệnh viện đều tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai nạn pháo thương tâm”, bác sĩ Phát chia sẻ.
Theo bác sĩ Phát, các di chứng thường gặp nhất ở trẻ bị tai nạn do pháo nổ là thần kinh, sang thương bỏng ở mắt, não, co giật yếu liệt động kinh, giảm thị lực, giảm khả năng lao động (đoạn chi) khuyết tật…
“Nhà trường nên tổ chức tuyên truyền thường xuyên, có các bài học giáo dục về sự nguy hiểm khi chế tạo pháo cho học sinh. Song song đó phụ huynh cần nhắc nhở con cháu không mua chế phẩm thuốc nổ, cảnh báo hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến đau khổ hệ lụy suốt cuộc đời”, bác sĩ Phát khuyến cáo.