Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình
Theo tờ trình của Bộ Tài chính:
Phương án 1: Giữ nguyên phương pháp tính thuế hiện tại và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) .
Phương án 2: Điều chỉnh tăng thuế bằng cách áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp (vừa áp dụng thuế tương đối theo tỉ lệ %, vừa bổ sung thêm một mức thuế tuyệt đối với mặt hàng rượu, bia).
Trong 2 phương án trên, Bộ Tài chính đề xuất lựa chọn phương án 1 nhằm đảm bảo yếu tố cạnh tranh trong bối cảnh chất lượng và giá bán đồ uống có cồn có sự khác biệt và cũng là để đảm bảo nguồn thu ngân sách.
Mới đây, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng đồng thuận với phương án 1, nghĩa là giữ nguyên phương pháp tính thuế hiện tại và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình phù hợp với khuyến nghị của WHO.
Áp chung một mức thuế sẽ không công bằng
Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí với phương án giữ nguyên phương pháp tính thuế hiện tại và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình phù hợp với khuyến nghị của WHO.
Theo ông Hòa, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng thì cần hạn chế điều chỉnh những chính sách tác động mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, ông cho rằng, lúc này, Nhà nước cần giữ nguyên cách tính thuế hiện tại và tăng theo lộ trình.
“Việc giữ nguyên phương pháp tính thuế hiện tại và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình là phù hợp với các doanh nghiệp và bối cảnh kinh tế lúc này”, đại biểu nói.
Trong khi đó, phân tích về phương án 2, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, việc bổ sung thêm một mức thuế tuyệt đối với mặt hàng rượu, bia là không công bằng với tất cả các doanh nghiệp trong ngành.
Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, mỗi doanh nghiệp đều có năng lực sản xuất kinh doanh, thị trường khác nhau và giá bán sản phẩm cũng không giống nhau, vì thế, không thể áp chung một mức thuế như nhau, sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng, không công bằng.
“Việc áp một mức thuế tuyệt đối với mặt hàng rượu, bia là không phù hợp vì mỗi công ty đều có năng lực, thị trường và giá bán sản phẩm khác nhau. Ví dụ, như bia Heineken giá bán 460.000 đồng mỗi thùng thì họ phải chịu thuế suất với mức giá đó, còn bia Sài Gòn hay bia Hà Nội giá 300.000 đồng mỗi thùng thì làm sao họ lại phải chịu thuế suất với giá bán 460.000 đồng được”, ông Hòa phân tích.
Do đó, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đề nghị có cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt hợp lý để đảm bảo tính cạnh tranh và công bằng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty sản xuất bia ở phân khúc thấp, bình dân sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề.
Doanh nghiệp Việt có thể gặp khó
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch VAFI, nhiều doanh nghiệp trong ngành đều nhất trí lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt khi điều kiện kinh tế – xã hội cho phép theo từng giai đoạn nhưng phải đảm bảo nguyên tắc công bằng cho tất cả doanh nghiệp.
Ở phương án 2, ông Hải cho rằng, với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt bằng phương pháp hỗn hợp, các doanh nghiệp không thắc mắc phần tính thuế theo tỉ lệ % vì nó đảm bảo công bằng với mọi doanh nghiệp.
Tuy nhiên, họ không thể chấp nhận mức thuế tuyệt đối được tính như nhau trên một đơn vị sản phẩm tiêu thụ dù bia có giá trị cao hay thấp, khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ nhanh chóng phá sản vì phải chịu mức thuế tuyệt đối quá cao so với giá bán.
Cũng theo ông Hải, do mức thuế tuyệt đối được áp dụng như nhau trên một đơn vị sản phẩm tiêu thụ, nên dù giá sản phẩm chênh lệch giữa các hãng thì công ty sản xuất bia cao cấp và cận cao cấp, doanh nghiệp đầu ngành thống lĩnh thị trường có thể hưởng lợi từ cơ chế này.
Trong khi đó, công ty sản xuất bia vừa và nhỏ, đa phần là các doanh nghiệp Việt lại ít lợi thế cạnh tranh hơn, sẽ gặp khó khăn lớn nếu chính sách tính thuế tiêu thụ đặc biệt thay đổi sang phương pháp hỗn hợp.