Ngày 29/3, trong khuôn khổ Hội thảo: “Xây dựng, phát triển tour – tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long”, do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Du lịch thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức.
Ông Mai Ngọc Thuyết – Phó Giám đốc, Trung tâm phát triển Du lịch – Sở VHTTDL thành phố Cần Thơ đã trình bày tham luận với chủ đề: “Tiềm năng, thách thức và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng Thành phố Cần Thơ”.
Liên kết tour, tuyến du lịch sản phẩm du lịch đặc thù
Theo đó, mặc dù thời gian qua du lịch thành phố Cần Thơ có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu tích cực nhưng ngành du lịch thành phố cũng còn nhiều thách thức. Trong đó, đáng chú ý là chính sách riêng cho ngành du lịch thành phố nhằm thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư, điểm vườn du lịch mở rộng quy mô cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch hiện tại sau thời dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, chất lượng lao động qua đào tạo cũng không đồng đều. Ở các đơn vị quản lý, cơ sở đào tạo, lữ hành, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 100%; nhưng lao động qua đào tạo ở các khu, điểm du lịch chỉ đạt 26,1% – thấp nhất trong ngành. Ở các điểm vườn, homestay, khu du lịch, hầu hết là gia đình tự quản lý, nhân viên chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch.
Một số điểm du lịch còn mang tính tự phát, chưa có mô hình tổ chức liên kết, mô hình quản lý; đăng ký kinh doanh, các điều kiện kinh doanh từng lĩnh vực chưa phù hợp, sản phẩm du lịch chưa thật sự có điểm nhấn, sản phẩm du lịch đặc thù chưa được đầu tư, khai thác một cách rõ nét mà chỉ dựa trên nhu cầu thực tế có sẵn chưa thu hút các nhà đầu tư lớn để tạo nên sự khác biệt.
Bệnh cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cũng như chuyển đổi số hóa trong phát triển du lịch cũng còn nhiều hạn chế, chưa được đồng bộ dẫn đến tình trạng mất cân đối chổ có chổ không ảnh hưởng đến tâm lý của du khách và các nhà quản ly du lịch tại địa phương.
Ngoài ra, nguồn kinh phí đầu tư công tác xây dựng sản phẩm du lịch tại các địa phương còn quá ít, chủ yếu là kinh doanh hộ gia đình, nguồn vốn đầu tư thấp, người dân chưa mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách du lịch, quá tải mùa cao điểm. Một số địa phương sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp, thiếu tính chuyên nghiệp, quy mô nhỏ, sản phẩm chưa đủ sức tạo thành điểm nhấn để thu hút khách.
Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các Sở ban, ngành để có chính sách ưu tiên cho phát triển du lịch, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông nhiều tuyến đường bộ hạn chế xe có trọng tải lớn, các bến tàu chưa đủ điều kiện để tàu du lịch có trọng tải lớn cập bến, các tuyến đường sông chưa đủ điều kiện để khai thác du lịch.
Chưa kể, vệ sinh môi trường một số địa phương và các điểm du lịch còn hạn chế, chưa nơi xử lý nước thảy, thu gom rác làm mất thẩm mỹ, cảnh quan môi trường trong mắt du khách. Công tác an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm một số cơ sở chưa đảm bảo do chủ yếu làm thủ công, chưa có phương án xử lý rác thải và cảnh quan môi trường chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững.
Đặc biệt công tác liên kết, kết nối giữa các địa phương trên địa bàn trong thành phố và các tỉnh, thành trong khu vực và trong cụm cũng chỉ ở mức tương đối chủ yếu công tác quảng bá, tham gia các sự kiện, còn công tác kết nối, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch chưa thật sự được chú trọng dẫn đến sự phát triển thiếu đồng bộ, sản phẩm du lịch chưa đa dạng.
6 giải pháp quan trọng
Từ thực tế trên, Phó Giám đốc, Trung tâm phát triển Du lịch – Sở VHTTDL thành phố Cần Thơ đề xuất 6 giải pháp để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng Thành phố Cần Thơ, gồm:
Sớm nghiên cứu xây dựng nghị quyết hỗ trợ phát triển du lịch địa phương, có nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư đầu tư lĩnh vực du lịch để tạo nên sự khác biệt về sản phẩm du lịch.
Kết nối các cơ sở đào tạo, góp ý xây dưng khung đào tạo phù hợp với nhu cầu du lịch của khu vực, tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ trong phát triển du lịch các địa phương.
Xây dựng các kênh kết nối liên kết các sản phẩm du lịch đặc trưng của các địa phương mỗi địa phương một sản phẩm đặc thù nằm kéo dài thời gian khách du lịch và tăng thêm tính đa dạng của sản phẩm du lịch trong khu vực.
Tạo thương hiệu chung và tăng cường công tác quảng bá thương hiệu du lịch chung cho các tỉnh, thành trong du lịch góp phần thấy được sự đa dạng sản phẩm du lịch của các địa phương.
Chú trọng khai thác các giá trị truyền thống địa phương, đảm bảo môi trường du lịch lành mạnh tạo nên sự phát triển du lịch bền vững cho địa phương..
Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối các địa phương rút ngắn thời gian di chuyển cho khách du lịch…