Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2.
ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và trong giao thương với các nước ASEAN, Tiểu vùng sông Mekong. ĐBSCL có diện tích tự nhiên 39.734km2, chiếm 12,2% diện tích cả nước; dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. Vùng có quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 970 ngàn tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt mức 56,02 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,8%; là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp và hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. ĐBSCL còn có vị trí địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng, do nằm trên tuyến hàng hải của trung tâm khu vực ASEAN, là cửa ngõ kết nối của các hành lang kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng. Có thể nói, với tiềm năng to lớn và lợi thế của mình, ĐBSCL hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.
Tuy nhiên, ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn hạn chế so với một số vùng; đang phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn; những yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, thiếu hợp tác, liên kết; cơ sở hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp; các hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp còn bất cập, hiệu quả chưa cao; biến động thị trường khó lường với xu hướng tiêu dùng xanh đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao.
Ngày 2-4-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng ĐBSCL trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; thay đổi về tư duy và nhận thức các cấp từ Trung ương đến địa phương về phát triển vùng nhanh và bền vững, đưa liên kết vùng trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực tự cường, khát vọng vươn lên của cán bộ, doanh nghiệp, nhân dân các địa phương trong vùng. Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đối với sự phát triển vùng ĐBSCL. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong đợi và tin tưởng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng ĐBSCL sẽ nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh trên vùng đất “Chín Rồng” theo tinh thần: “Cả nước vì vùng ĐBSCL và ĐBSCL vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ tham gia đoàn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá tại nước ngoài.
Để phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần xác định, tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết số 13-NQ/TW, trong đó cần quan tâm các nội dung sau:
Thứ nhất, tập trung triển khai có kết quả Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28-2-2022; chú trọng huy động các dự án đầu tư từ mọi thành phần kinh tế và khơi dậy, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh mạnh mẽ của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, các địa phương vùng ĐBSCL cần đầu tư công sức, thời gian để xây dựng Quy hoạch tích hợp tỉnh, thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cần nghiên cứu hoạch định chiến lược phát triển với những giải pháp đột phá, trong đó có chú trọng liên kết vùng.
Thứ hai, phát triển hạ tầng giao thông và logistics là giải pháp đột phá đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững. Thời gian qua, các điểm nghẽn về hạ tầng đang được đầu tư nhưng còn chậm đưa vào khai thác làm cho ĐBSCL không có nguồn lực mới để phát triển. Để giải quyết “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông thành “động lực” phát triển cho ĐBSCL, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho vùng tăng lên đến 86 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 22% so với cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2016 – 2020, riêng số vốn bố trí để đầu tư hệ thống đường cao tốc lên tới 42.647 tỷ đồng, chiếm 20% mức vốn đầu tư cho đường cao tốc của cả nước, gấp 14 lần so với giai đoạn 2016 – 2020 (3.052 tỷ đồng).
Về hạ tầng thương mại của vùng ĐBSCL chưa hiện đại, chỉ có 9,4% số siêu thị và 11,6% trung tâm thương mại, trong khi chiếm tới 19,3% số lượng chợ cả nước (năm 2020), chủ yếu là chợ hạng 3, phân bố đều tại khu vực thành thị, nông thôn. Ngược lại, 109 siêu thị và 29 trung tâm thương mại chỉ tập trung tại khu vực thành thị, chủ yếu phục vụ khoảng 26% dân số toàn vùng. Các địa phương vùng ĐBSCL cần chủ động huy động nguồn lực, nghiên cứu kêu gọi hợp tác công tư (PPP) cho những tuyến đường, công trình giao thông, trung tâm logistics, hạ tầng thương mại mà nguồn vốn Trung ương chưa đưa vào danh mục đầu tư; khai thác có hiệu quả quỹ đất sau khi các dự án kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư; chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng và quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông; tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vật liệu, công bố giá kịp thời, sát thực tế để phục vụ triển khai các dự án đầu tư xây dựng.
Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tích hợp, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ, dựa trên hệ sinh thái, phù hợp quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng ĐBSCL. Cần tập trung nâng cao vai trò khu vực công nghiệp – xây dựng, khu vực dịch vụ; thúc đẩy tăng trưởng trên từng lĩnh vực, GRDP vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu trong nội hàm khu vực 1: nông nghiệp; khu vực 2: công nghiệp – xây dựng; khu vực 3: dịch vụ theo chiến lược phát triển. Từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cùng đoàn công tác khảo sát thực tế và thúc đẩy tiến độ triển khai đầu tư tuyến đường bộ ven biển qua địa phận tỉnh Bến Tre.
Thứ tư, chuyển đổi nông nghiệp một cách toàn diện, cải thiện năng suất và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn và tích hợp, áp dụng mô hình sản xuất “thuận thiên”, thích ứng biến đổi khí hậu, biến thách thức thành cơ hội “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”. Phát triển các sản phẩm chiến lược theo 3 trọng tâm: thủy sản, trái cây và lúa gạo; nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến sâu, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp gắn với: Đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là đất đai và tài nguyên nước; bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tập thể theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết giữa sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực: giống, thức ăn và chế biến; tăng cường canh tác bền vững bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, hợp tác và liên kết vùng (nội vùng và ngoại vùng) phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng, triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); phát triển thế mạnh kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển, chủ động thích ứng với BĐKH.
Thứ năm, phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, với công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, gắn với kinh tế biển, kiểm soát tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển. Cần khẩn trương nâng cao tính tập trung, mật độ của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cơ sở gắn kết với khu vực đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng liên kết trong vùng, liên vùng, quốc tế để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.Bên cạnh đó, ĐBSCL có tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, ĐBSCL có trên 68.600MW tiềm năng điện gió trên đất liền và trên 31.500MW tiềm năng điện mặt trời. Phát triển điện gió là một trong những ngành được đặt nhiều kỳ vọng và ưu tiên trong thời gian tới, đặc biệt các tỉnh có bờ biển dài như Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh có dư địa phát triển rất rộng mở. Nhờ thế mạnh về nông nghiệp, ĐBSCL cũng có tiềm năng điện sinh khối lớn nhất trong 7 vùng sinh thái trên toàn quốc.
Thứ sáu, tăng cường đầu tư cho giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, kinh tế biển bền vững và các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, công nghiệp của vùng ĐBSCL trong giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ và bền vững hơn; thành lập các khu kinh tế – quốc phòng vùng ven biển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo vệ biển đảo trong tình hình mới. ĐBSCL đang gặp khó khăn về số lượng nhất là chất lượng lao động, tình hình di cư của lao động trẻ đến vùng Đông Nam Bộ, trong một thời gian dài đã làm giảm đáng kể số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ĐBSCL, không những thế còn làm tăng tốc tình trạng già hóa dân số và kéo theo nhiều hệ lụy về an sinh xã hội. Vùng cần thu hút thêm các dự án đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội chắc chắn sẽ góp phần giữ chân lao động ở lại ĐBSCL. Bên cạnh đó, các tỉnh ĐBSCL vẫn phải tìm cách cải thiện kiến thức, kỹ năng và thái độ của người lao động trong vùng, không chỉ để đáp ứng nhu cầu hiện tại, mà còn để chuẩn bị cho nền kinh tế ĐBSCL trong tương lai. Đồng thời, cải thiện thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần để người dân ĐBSCL có cuộc sống chất lượng hơn, có đủ điều kiện phát triển toàn diện hơn, hạnh phúc hơn; đoàn kết, phấn đấu chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc, quê hương ngày càng phồn thịnh, phát triển nhanh và bền vững.
Thứ bảy, chủ động huy động nguồn lực, phát huy vai trò đóng góp của doanh nghiệp, người dân cùng phát triển địa phương. Tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn đến đầu tư, mở rộng sản xuất, gia tăng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế tại vùng ĐBSCL. Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm đầu tư PPP phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp kết hợp du lịch, nông nghiệp giá trị cao; công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, các ngành hỗ trợ cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; công nghiệp năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi số; dịch vụ vận tải logistics; dịch vụ y tế; giáo dục; du lịch và bất động sản. Tiếp tục phát huy, huy động nguồn lực doanh nghiệp và Nhân dân tham gia vào các chương trình phát triển địa phương cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo.
Thứ tám, đưa liên kết vùng trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Tăng cường quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành quan điểm chỉ đạo, chiến lược dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Phát huy tốt vai trò thành viên trong vùng ĐBSCL, chủ động và tích cực tham gia các hoạt động liên kết vùng nhằm góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương, trong đó, đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển giữa các tỉnh trong tiểu vùng, toàn vùng; tích cực hợp tác với thành phố Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trọng điểm của các vùng kinh tế…
Thứ chín, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh; chủ động nắm bắt và xử lý tốt các vấn đề an ninh phi truyền thống; kiểm soát tình hình ma tuý, tín dụng đen, trật tự xã hội, khiếu kiện đông người; chủ động phát hiện, tấn công, trấn áp các loại tội phạm; xây dựng môi trường xã hội ổn định, an toàn phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội; chủ động phòng ngừa và đấu tranh, kiên quyết làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”; phòng ngừa, vô hiệu quá âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Thứ mười, xây dựng Đảng bộ tỉnh, thành phố trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực và uy tín với nhân dân. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục hành chính trong toàn hệ thống chính trị để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đổi mới mạnh mẽ tác phong, phong cách, phương pháp, lề lối làm việc cán bộ, công chức, viên chức theo hướng nhanh nhẹn, khoa học, hiệu quả với phương châm “lấy công việc làm trung tâm; lấy hiệu quả, kết quả công việc làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ”.Tăng cường hoạt động đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp nhằm lắng nghe, đồng hành phát triển, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguyên tắc “lợi ích hài hòa – rủi ro chia sẻ” giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Nguyễn Quốc Thành
Văn phòng Tỉnh ủy Bến Tre