Quang cảnh hội thảo
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nước thải nông nghiệp chứa nhiều chất ô nhiễm như đạm, nitrat, phosphat, thuốc trừ sâu và vi khuẩn gây hại, có thể gây ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng đến sức khỏe con người và động vật sống. Vì vậy, để giảm thiểu chất thải trong sản xuất cà phê, cần nâng cao nhận thức xử lý như thu gom, vận chuyển, phân loại, tái sử dụng…
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng đã sử dụng khoảng 3.400 tấn thuốc bảo vệ thực vật để quản lý dịch hại trên các loại cây trồng. Với lượng thuốc sử dụng trên đã phát sinh tương ứng khoảng 170 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm. Đối với cây cà phê, phụ phẩm từ vỏ quả cà phê là hơn 210.000 tấn được ủ làm phân bón, tạo ra khoảng 145.000 tấn phân bón hữu cơ đáp ứng yêu cầu sản xuất sạch. Để tiếp tục khắc phục những tồn tại trong việc xử lý các chất thải, phế phụ phẩm trong nông nghiệp nói chung và trong sản xuất cà phê nói riêng, cần phải đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc quản lý, giảm thiểu chất thải trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Quốc gia phát biểu tại hội thảo
Hội thảo tập trung đánh giá tác động của việc trồng xen trong vườn cà phê đến sinh vật gây hại chính và thúc đẩy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm để phát triển sản xuất cà phê bền vững tại các tỉnh Tây Nguyên thông qua quá trình điều tra tại 150 hộ ở Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng với diện tích 1,4 ha/1 hộ. Qua đó cho thấy, lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trung bình hơn 3 kg/1 ha. Đối với cây cà phê, lượng thuốc trừ sâu được sử dụng trung bình là 5 lít/ha, trong đó 60% nông dân đang sử dụng quá mức thuốc trừ sâu. Mỗi năm có hơn 2 ngàn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trong sản xuất cà phê.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ra những giải pháp nhằm hướng đến phát triển ngành cà phê Việt Nam hiệu quả và bền vững như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất trong việc quản lý, xử lý chất thải trong sản xuất cà phê; Không nên tái sử dụng các bao bì, thùng chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất để chứa đựng sản phẩm; Vỏ bao, gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sau sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; Rác thải phải được thu gom và phân loại đúng cách, chuyển giao cho đơn vị chức năng, năng lực phù hợp để xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại…/
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/thuc-trang-su-dung-vat-tu-nong-nghiep-va-cac-giai-phap-xu-ly-thu-gom-chat-thai-trong-san–.aspx