Chủ thương hiệu trà bí đao Wonderfarm chia cổ tức tiền mặt cao nhất với tỷ lệ 24%
CTCP Thực phẩm Quốc tế (Interfood – Mã: IFS) chốt ngày 2/8 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt, tỷ lệ 24% (1 cổ phiếu nhận 2.400 đồng). Tương ứng với ngày giao dịch không hưởng quyền là 1/8, ngày thanh toán vào 9/9.
Với hơn 87 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Interfood cần chi gần 209 tỷ đồng trả cổ tức. Đây là mức cổ tức cao nhất của chủ sở hữu thương hiệu trà bí đao Wonderfarm từ trước đến nay.
209 tỷ đồng này là toàn bộ lợi nhuận sau thuế của Interfood chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2023.
Trước đó, Interfood đã có 2 năm liên tiếp sử dụng gần như toàn bộ lợi nhuận giữ lại để trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông.
Cụ thể, năm 2021, công ty dành 16,6 tỷ đồng để chia cổ tức với tỷ lệ 1,9%. Sau đó một năm, công ty tiếp tục dành gần 155 tỷ đồng để chia cổ tức với tỷ lệ 17,8%.
Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc Tế, tiền thân là Công ty Công nghiệp Chế biến Thực phẩm Quốc Tế (IFPI), được thành lập ngày 16/11/1991. Chủ đầu tư ban đầu là Công ty Trade Ocean Holdings Sdn.Bhd có trụ sở tại Penang Malaysia.
Hoạt động chính của Công ty là sản xuất đồ uống, thức ăn chế biến sẵn, chế biến nông sản, thủy sản thành sản phẩm đóng hộp, sấy khô, ướp đông, muối và ngâm dấm…
Sản phẩm nổi bật của công ty là các dòng nước giải khát mang thương hiệu Wonderfarm như trà bí đao, nước yến, nước dừa, chanh dây…
Trước đó, năm 2007, Interfood niêm yết trên sàn HoSE với vốn điều lệ 291 tỷ đồng. Thời điểm đó, lợi nhuận của công ty trên dưới 60 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, việc đầu tư không hiệu quả, năm 2008, Interfood lỗ ròng hơn 200 tỷ đồng và tiếp tục thua lỗ nhiều năm sau đó.
Đến năm 2011, nhà đầu tư Malaysia quyết định rời bỏ Interfood. Thay vào đó, tập đoàn Kirin của Nhật Bản tham gia “giải cứu” thông qua việc mua lại hơn 57% vốn công ty.
Sau thương vụ trên, Kirin liên tục bơm thêm vốn vào Interfood thông qua các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Đến năm 2015, vốn điều lệ của Interfood tăng lên 871 tỷ đồng và duy trì đến nay. Trong cơ cấu cổ đông của Interfood, phía Nhật Bản giữ 96% cổ phần.
Sau thời gian dài tái cấu trúc hoạt động dưới sự điều hành của người Nhật, Interfood bắt đầu có lãi trở lại vào năm 2016 với lợi nhuận 43 tỷ đồng. Cùng năm này, cổ phiếu Interfood trở lại sàn UPCoM sau khi bị hủy niêm yết trên sàn HoSE vào 2013.
Danh mục sản phẩm hiện tại của Interfood bao gồm trà bí đao, nước yến, nước trái cây, nước cốt dừa, trà xanh, latte, cà phê và sữa mang thương hiệu Wonderfarm và Kirin.
Interfood đã thực hiện 49% kế hoạch doanh thu và 55% mục tiêu lợi nhuận cả năm
Tại báo cáo tài chính quý II/2024, Interfood ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 525 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng mảng nước giải khát đã mang về hơn 425 tỷ đồng, chiếm 81% tổng doanh thu.
Tuy vậy, sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế quý II/2024 của Interfood đạt 55 tỷ đồng, giảm khoảng 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Đại diện Interfood cho biết doanh thu thuần tăng 10% so với cùng kỳ chủ yếu do công ty tiếp tục nỗ lực thực hiện kế hoạch bán hàng đã đề ra, tập trung mạnh vào các dòng sản phẩm chủ chốt và sản phẩm chiến lược.
Chi phí giá vốn hàng bán ở quý II này duy trì mức 63% tỷ trọng doanh thu thuần, ngang bằng với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng 20% lên tới gần 110 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận của Interfood sụt giảm. Trong số chi phí này, riêng phần chi cho các chương trình khuyến mãi, tăng cường chiến dịch truyền thông quảng bá các sản phẩm chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng doanh số đã chiếm tới 29 tỷ đồng, tăng mạnh 82% so với quý II/2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Thực phẩm Quốc tế – chủ thương hiệu trà bí đao Wonderfarm ghi nhận gần 972 tỷ đồng doanh thu thuần và 105 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 11% và 3% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện 49% kế hoạch doanh thu và 55% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Năm 2024, Interfood đặt mục tiêu doanh thu thuần cao kỷ lục 1.993 tỷ đồng (kế hoạch kinh doanh cao nhất từ trước đến nay), tăng gần 7% so với thực hiện năm ngoái. Tuy vậy, doanh nghiệp khá thận trọng khi đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt 240 tỷ đồng và 192 tỷ đồng, tương ứng giảm 9% và giảm 8% so với thực hiện năm trước.
Nguồn: https://danviet.vn/thuc-pham-quoc-te-wonderfarm-sap-chia-co-tuc-ky-luc-20240729113032608.htm