Khi nhắc đến cholesterol, nhiều người nghĩ rằng cholesterol là xấu hoặc cholesterol không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, cholesterol cũng có loại “tốt” còn gọi là lipoprotein mật độ cao (HDL). Trong khi đó, lipoprotein mật độ thấp (LDL) được xem là loại cholesterol “xấu”, cần phải kiểm soát.
HDL giúp loại bỏ mảng bám tích tụ trong động mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đau tim và đột quỵ, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Dưới đây là một số thực phẩm giúp cải thiện tỷ lệ HDL so với LDL trong cơ thể.
1. Dầu ô liu
Theo nghiên cứu vào năm 2019, trái ô liu chứa chất béo có lợi cho tim và dầu ô liu có thể làm giảm tác động của LDL lên cơ thể.
Người dùng nên chế biến dầu ô liu ở nhiệt độ từ thấp đến trung bình, vì dầu ô liu nguyên chất dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Ngoài ra, người dùng cũng có thể sử dụng dầu ô liu nguyên chất trong nước sốt salad, thêm vào thực phẩm sau khi nấu chín, theo Healthline.
2. Các loại ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt có chứa chất xơ – đặc biệt là chất xơ hòa tan, được chứng minh là giúp giảm LDL. Nhờ vậy, tỷ lệ HDL so với LDL trong cơ thể sẽ cao hơn.
3. Các loại đậu
Giống như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu là nguồn cung cấp chất xơ hòa tan, có lợi cho việc tăng tỷ lệ HDL trong cơ thể.
4. Cá béo
Axit béo omega-3 có trong cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích có thể làm giảm mức LDL trong cơ thể.
5. Hạt chia
Hạt chia là nguồn cung cấp axit béo omega-3 có nguồn gốc thực vật, chất xơ và các chất dinh dưỡng lành mạnh khác. Thêm hạt chia vào chế độ ăn uống có thể giúp giảm mức LDL và giảm huyết áp.
6. Trái bơ
Bơ chứa vitamin B9 và chất béo không bão hòa đơn. Loại chất béo lành mạnh này giúp duy trì mức HDL và giảm nguy cơ đột quỵ, đau tim và bệnh tim. Chúng cũng chứa nhiều chất xơ, giúp kiểm soát cholesterol một cách tự nhiên.
7. Đậu nành
Ăn nhiều đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành giúp giảm mức tiêu thụ thịt và mức cholesterol tổng thể. Khi cơ thể ăn ít thịt hơn, mức LDL trong cơ thể sẽ giảm và mức HDL sẽ tăng lên.