Đầu năm học 2023-2024, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện bài đăng của một phụ huynh có con mới vào lớp 1 ở TP.Đồng Xoài (Bình Phước) bị bất ngờ trước một số khoản thu đầu năm học.
Phụ huynh này liệt kê các khoản thu gồm: vận động xã hội hóa 200.000 đồng, quỹ lớp 200.000 đồng nhưng phải trích cho nhà trường 20%; học sinh học từ thứ hai đến năm, còn thứ sáu học nửa buổi, phụ thu 65.000 đồng x 9 tháng = 585.000 đồng…
Qua xác minh của phóng viên Báo Thanh Niên, trường học mà phụ huynh phản ánh là Trường tiểu học Tiến Hưng A (xã Tiến Hưng, TP.Đồng Xoài, Bình Phước).
Phụ huynh không đi họp nên hiểu sai thông tin
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, cô Nguyễn Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tiến Hưng, xác nhận các thông tin trên là của một phụ huynh nhưng sau đó người này đã nhanh chóng xóa bỏ khỏi trang Facebook cá nhân khi được sự giải thích từ nhà trường.
Theo cô Hảo, phụ huynh đăng tải bài viết lên mạng xã hội Facebook này do không trực tiếp đi họp nên có thể đã không nắm đầy đủ, chính xác các thông tin được giáo viên đưa ra tại buổi họp.
Liên quan đến các thắc mắc của phụ huynh về tiền xã hội hóa, cô Hảo cho biết thực tế đầu năm học, nhà trường đã liệt kê ra các phần việc cần làm để đảm bảo cơ sở vật chất cho học sinh trong năm học mới. Cụ thể, nhà trường bổ sung 72 quạt treo tường và thay thế quạt trần vào các phòng học cho học sinh; lắp đặt camera ở cổng, hành lang lớp học và khuôn viên trường; sơn lại 4 phòng học cũ; sửa một số nền phòng học bị bong tróc, trám sân; làm mái che 2 sảnh khu 18 phòng học mới để không đọng nước, thấm dột; mua máy vi tính bổ sung cho học sinh học tập…
Việc tài trợ từ cha mẹ học sinh, mạnh thường quân (nếu có) là trên tinh thần tự nguyện, do ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh các lớp tự kêu gọi hỗ trợ để nhà trường đảm bảo công tác dạy và học.
“Đối với thông tin thu quỹ lớp 200.000 đồng nhưng phải trích cho nhà trường 20%, thực tế đó là quỹ cha mẹ học sinh của các lớp. Do cha mẹ học sinh các lớp kêu gọi hỗ trợ và trình ban đại diện cha mẹ học sinh trường để hoạt động theo Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT, nhà trường không thu quỹ này. Nguồn quỹ này cũng được ban đại diện cha mẹ học sinh sử dụng vào các mục đích như khen thưởng đột xuất, tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó… trong năm học”, cô Hảo giải thích.
Học thêm chiều thứ sáu là đề xuất của phụ huynh
Liên quan đến việc thu tiền vào buổi chiều thứ sáu như phụ huynh phản ánh, cô Nguyễn Thị Hảo cho biết hiện nay Trường tiểu học Tiến Hưng A đang thiếu 10 giáo viên. Theo quy định của ngành giáo dục, mỗi tuần phải đảm bảo cho học sinh tối thiểu từ 32-35 tiết học. Do trường thiếu giáo viên nên chỉ có thể dạy ở mức tối thiểu 32 tiết học. Hiện tại định mức tiết dạy của mỗi giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Do thiếu giáo viên nên dù dạy ở mức tối thiểu thì hầu hết các giáo viên đều đã phải dạy thêm tiết (9 tiết/tuần). Dựa trên thời khóa biểu thì đến hết sáng thứ sáu, học sinh đã học đủ 32 tiết trên lớp nên được về nhà. Nhà trường cũng đã thông báo đến phụ huynh việc đón con vào trưa thứ sáu, tránh để học sinh không có người quản lý.
Cũng theo cô Hảo, việc đề xuất thu tiền học thêm vào chiều thứ sáu là do có nhiều phụ huynh làm công nhân có con học tại trường kẹt giờ làm tại công ty và không thể đón con vào trưa thứ sáu nên mong muốn nhà trường tổ chức các lớp dạy ngoại khóa, kỹ năng, năng khiếu vào chiều thứ sáu. Do nằm ngoài chương trình nên việc tổ chức lớp học theo nhu cầu của phụ huynh buộc nhà trường phải thu phí thêm để chi trả cho giáo viên.
Thực tế, các lớp chiều thứ sáu (nếu được mở) không phải tất cả học sinh đều phải theo học mà chỉ dựa trên nhu cầu thực tế của phụ huynh các khối. Sau đó, nhà trường sẽ ghép học sinh lại thành một lớp. Mục đích chính là hỗ trợ các bậc cha mẹ không thể đưa đón con vào trưa thứ sáu.
“Đây là lần đầu tiên trường đề xuất việc này do phụ huynh mong muốn. Phần lớn phụ huynh cũng đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, việc có một số ít ý kiến thắc mắc như vậy, nhà trường hiện vẫn đang xem xét việc có tổ chức dạy cho học sinh vào chiều thứ sáu hay không”, cô Hảo giải thích.