Giới nghiên cứu vẫn chưa biết liệu nấm độc có phải thủ phạm gây ra cái chết cho nhiều người từng tới ngôi mộ của vua Tutankhamun, làm dấy lên “lời nguyền xác ướp” hay không.
Năm 1922, nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter phát hiện ngôi mộ của vua Tutankhamun sau 6 năm tìm kiếm. Ngôi mộ nằm ở Thung lũng các vị vua gần Luxor, Ai Cập và những báu vật bên trong nằm trong số những phát hiện huyền thoại của ngành khảo cổ.
Vào ngày Carter mở ngôi mộ, một con rắn cắn chết con chim hoàng yến của ông, khiến nhiều người nghi ngờ đó là “lời cảnh báo từ linh hồn của vị vua để ngăn chặn những kẻ xâm phạm”. Ngày càng nhiều người liên quan tới cuộc khai quật qua đời, dấy lên tin đồn Carter đã giải phóng lời nguyền xác ướp, theo Business Insider. Tuy nhiên, nhiều thập kỷ trôi qua, các nhà khoa học bắt đầu băn khoăn liệu có cách giải thích nào thực tế hơn phía sau cái chết của những thành viên trong đội của Carter hay không.
Tháng 4/1923, George Herbert, bá tước Carnarvon đời thứ 5, phát sốt và ho liên tục tại bệnh viện ở Cairo. Khi ông qua đời ngày 5/4 năm đó, đèn trong thành phố vụt tắt. Tại nhà riêng của ông ở Hampshire, Anh, con chó của Herbert tên Susie chết vài giờ sau chủ nó. New York Times đưa tin nguyên nhân Herbert qua đời là bệnh viêm phổi do vết côn trùng cắn nhiễm trùng trong lúc ông cạo râu. Nhưng do Herbert có mặt khi mở ngôi mộ của vua Tutankhamun trước đó vài tháng, tin đồn về lời nguyền xác ướp nổi lên.
Tin đồn về lời nguyền tiếp tục lan ra khi nhà tài chính người Mỹ George Jay Gould mất vào tháng 5/1923 do viêm phổi, vài tháng sau khi tới thăm ngôi mộ. Philip Livingston Poe, họ hàng của Edgar Allen Poe cũng bị viêm phổi vài tháng sau khi đến ngôi mộ năm 1923. Căn bệnh của ông được báo giới liên hệ với “Lời nguyền xác ướp” dù ông vẫn sống thêm 47 năm. Khi Richard Bethell, thư ký của Carter, mất năm 1929, nhiều bài báo xếp ông vào danh sách những người chết do liên quan tới cuộc khai quật.
Tổng cộng, số người chết bị gán cho lời nguyền nằm trong khoảng 9 – 20 người, tùy vào việc danh sách có bao gồm khách tham quan ngôi mộ và họ hàng của người khai quật hay không. Nguyên nhân cái chết cũng rất đa dạng như tai nạn xe, nổ súng, cháy nhà và tự tử. Hàng chục lao động người Ai Cập đóng góp sức lực vào công tác khai quật ngôi mộ của vua Tutankhamun. Do Carter chưa bao giờ nhắc đến họ trong sổ ghi chép, họ hiếm khi được báo giới đề cập tới và rất khó để biết việc khai quật ngôi mộ hàng nghìn năm ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe của họ.
Trải qua nhiều thế kỷ, một số nhà khoa học băn khoăn liệu thứ chết chóc ẩn trong ngôi mộ của vua Tutankhamun có phải nấm độc hay không. Hai bác sĩ công bố một bài báo trên tạp chí Lancet năm 2003, kết luận aspergillus, một loại nấm phổ biến, có thể khiến Herbert đổ bệnh. Aspergillosis gây ho, khó thở, nhưng triệu chứng nghiêm trọng hơn ở người có hệ miễn dịch suy yếu. Herbert tới Ai Cập sau một tai nạn xe nghiêm trọng làm tổn thương phổi của ông, khiến ông đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nấm.
Trong một nghiên cứu năm 2013, nhóm nghiên cứu ở Đại học Harvard xem xét đốm nâu ở bức tường trong mộ vua Tutankhamun, Các nhà vi sinh vật học muốn xác định liệu nấm hay vi khuẩn khác có chịu trách nhiệm gây ra đốm nâu và đe dọa sức khỏe khách tham quan hay không.
Trong khi kết quả phân tích cho thấy bằng chứng về quần thể nấm và vi khuẩn, chúng không còn hoạt động và không đe dọa khách tham quan. Họ không thể kết luận liệu nấm aspergillus hay bất kỳ loại nấm nào khác có góp phần vào cái chết của Gerbert hay Gould. Ngày nay, các nhà khảo cổ học thường đeo găng tay, khẩu trang và quần áo dùng một lần để bảo vệ bản thân trước nấm mốc.
An Khang (Theo Business Insider)