(Dân trí) – Một hiện tượng lạ xảy ra ở Indonesia khi một khối trắng giống đám mây “rơi xuống đất”. Video về sự việc nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Hiện tượng này xảy ra tại khu vực khai thác mỏ Muara Tuhup (huyện Murung Raya, Trung Kalimantan, Indonesia).
Đoạn video do các công nhân tại khu mỏ ghi lại vào ngày 15/11 nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều người lo lắng đây là một biểu hiện của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, theo Cơ quan khí tượng khí hậu và địa vật lý Indonesia (BMKG), đây không phải là mây tự nhiên rơi xuống mà là hơi nước hoặc khí ngưng tụ do hoạt động khai thác mỏ gây ra.
Trang thông tin VOI dẫn lời ông Andri Ramdhani – Giám đốc BMKG – cho biết: “Hiện tượng này không phải là mây tự nhiên mà khả năng lớn là sự ngưng tụ của hơi nước hoặc khí thoát ra từ các khu khai thác mỏ”.
Ông Andri giải thích rằng, các hạt mây tự nhiên rất nhẹ và phân tán với mật độ thấp, không thể giữ hình dạng khối đặc và rơi xuống đất.
Theo ông Andri, mây tự nhiên là tập hợp các giọt nước hoặc tinh thể băng rất nhỏ, lơ lửng trong khí quyển nhờ sự hỗ trợ của dòng không khí. Thông thường, các hạt mây sẽ bốc hơi trước khi chạm tới mặt đất.
Trong trường hợp này, “đám mây” kỳ lạ xuất hiện do khí áp cao thoát ra từ các hoạt động khai thác, kết hợp với điều kiện nhiệt độ thấp và độ ẩm cao, tạo môi trường thuận lợi để hơi nước ngưng tụ thành khối đặc hơn.
Khi mật độ của khối hơi này cao hơn không khí xung quanh, chúng di chuyển xuống các khu vực thấp hơn do tác động của trọng lực, tạo hiệu ứng như mây đang “rơi”.
“Dù có vẻ như có thể chạm vào hoặc cầm nắm, đây thực chất chỉ là một khối hơi nước tạm thời”, ông Andri nói thêm.
BMKG nhấn mạnh rằng hiện tượng này không nguy hiểm và hoàn toàn không phải là dấu hiệu bất thường của thiên nhiên. Ông Andri cho rằng người dân địa phương tại Murung Raya không cần lo lắng vì hiện tượng này chỉ mang tính chất nhất thời và không để lại tác động đáng kể.
Dù vậy, sự xuất hiện của “đám mây rơi” đã kéo theo hàng loạt suy đoán và bình luận thú vị trên mạng xã hội. Một số người hài hước gọi đây là “đám mây thần” của Tôn Ngộ Không khi vận dụng phép cân đẩu vân, trong khi những người khác lại liên tưởng đến “phương tiện di chuyển” của nhân vật Son Goku trong loạt phim hoạt hình nổi tiếng Dragon Ball.
Nguồn: https://dantri.com.vn/doi-song/thuc-hu-dam-may-can-dau-van-cua-ton-ngo-khong-xuat-hien-o-indonesia-20241122114738074.htm