Thực hiện Công văn số 6649/BTNMT-TNN ngày 14/8/2023 của TN&MT về việc vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa mưa lũ năm 2023 trên các lưu vực sông. Để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn các hồ chứa cũng như phòng ngừa, hạn chế tối đa những thiệt hại do mưa lũ gây ra trong mùa mưa lũ năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã có ý kiến chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao.
Sở Nông nghiệp và PTNT, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh;
Tham mưu, chỉ đạo tổ chức vận hành các hồ chứa trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Quy trình; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tính toán quyết định phương án điều tiết để tham mưu ban hành lệnh vận hành hồ chứa kịp thời, đúng thời điểm và thông báo ngay cho các đơn vị quản lý hồ và các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện; đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện lệnh vận hành các hồ chứa, tổ chức quản lý, lưu trữ các lệnh vận hành để phục vụ việc kiểm tra, giám sát;
Tham mưu kịp thời UBND tỉnh quyết định việc vận hành các hồ chứa trong tình huống xảy ra lũ, lụt bất thường ở hạ du.
Sở Công thương, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Sở TN&MT, phối hợp cung cấp, chia sẻ kịp thời thông tin, dữ liệu diễn biến KTTV, quan trắc KTTV tại các trạm đối với lưu vực sông suối có hồ chứa cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực thi hiệu quả trong tổ chức điều hành vận hành hồ chứa.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, thực hiện chế độ quan trắc, dự báo, tính toán phục vụ vận hành, điều tiết hồ chứa và cung cấp thông tin, số liệu theo quy định của Quy trình vận hành điều tiết được duyệt;
Chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan trong việc vận hành hồ chứa, đảm bảo phòng chống, giảm lũ hạ du, an toàn công trình. Thực hiện nghiêm túc lệnh vận hành hồ của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Quy trình vận hành hồ chứa. Trường hợp xảy ra tình huống bất thường, phải báo cáo ngay và kèm theo phương án đề xuất tới cơ quan có thẩm quyền theo quy định để xem xét, quyết định việc vận hành hồ chứa;
Thực hiện nghiêm túc việc cung cấp số liệu vận hành tối thiểu 01 giờ/lần (khi có dự báo, cảnh báo bão khẩn cấp, áp thấp nhiệt đới gần bờ hoặc các hình thế thời tiết khác gây mưa lũ) lên Hệ thống quản lý dữ liệu vận hành hồ của Cục Quản lý tài nguyên nước phục vụ công tác theo dõi, giám sát và dự báo, cảnh báo mưa lũ trên các lưu vực sông;
Tổ chức rà soát quy chế phối hợp đã được ký với các đơn vị, địa phương để kịp thời điều chỉnh các nội dung (nếu có) và triển khai thực hiện đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du khi các hồ xả lũ, phát huy hơn hiệu quả cắt giảm lũ và cấp nước hạ du theo quy định của Quy trình vận hành các hồ chứa.
Đối với UBND các huyện, thành phố, tổ chức xây dựng phương án chủ động phòng, chống lũ lụt và tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó với các tình huống lũ, lụt trên địa bàn; chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dân cư, hạn chế thiệt hại. Phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi trong suốt quá trình xảy ra mưa, lũ để chủ động ứng phó trong mọi tình huống đảm bảo an toàn cho vùng hạ du khi các hồ chứa xả lũ.
Hiện nay, hệ thống thuỷ lợi tỉnh Ninh Thuận gồm có 22 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế là: 414,29 triệu mét khối, trong đó hồ Sông Cái có dung tích 219,81 triệu mét khối; có 05 đập dâng là: Sông Pha, Tân Mỹ, Nha Trinh, Lâm Cấm và đập ngăn mặn Hạ Lưu Sông Dinh. Trên địa bàn tỉnh, có 10 nhà máy thuỷ điện (trên Sông Ông 07, trên Sông Cái 03), chủ yếu là thuỷ điện nhỏ; riêng Nhà máy thuỷ điện Đa Nhim có tổng công suất thiết kế là 240MW, sử dụng nguồn nước từ hồ chứa nước Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng.