PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – nhớ lại thời điểm tự chủ toàn diện, bệnh viện Bạch Mai cũng từng gặp khó khăn trong giai đoạn tự chủ toàn diện.
2 năm thực hiện thí điểm tự chủ chính thức là 2020 và 2021 không bộc lộ ra khó do số lượng bệnh nhân trong 2 năm này giảm rất nhiều do dịch COVID-19. Bắt đầu đến quý II/2022 khi dịch bệnh được kiểm soát, số lượng bệnh nhân tăng lên đột biến, lúc đó bộc lộ tình trạng thiếu trang thiết bị y tế.
Bệnh viện Bạch Mai có hơn 100 cán bộ nghỉ việc do đãi ngộ không xứng đáng cộng với việc thiết bị y tế thiếu thốn, khiến bệnh viện hoạt động khó khăn. Do thiếu thốn trang thiết bị, số bệnh nhân ngoại trú tăng lên đột biến 6.000 đến 8.000 người đến khám, có ngày 10.000 người đến khám nên bệnh viện phải bố trí lại ca, kíp trực.
Cán bộ y tế ở nơi xa phải ra khỏi nhà lúc 3-4h sáng, 5h sáng phải đến bệnh viện. Các máy chiếu chụp tập trung ngoại trú ca sáng, nội trú ca chiều, để đảm bảo không từ chối bệnh nhân nào. Mặc dù được tự chủ toàn diện, nhưng Bệnh viện Bạch Mai chưa bao giờ được tự chủ về giá, mà hoàn toàn thực hiện theo quy định bởi Bệnh viện Bạch Mai xác định là bệnh viện công lập, tuyến cuối với nhiệm vụ quan trọng là tiếp nhận người bệnh tuyến cuối từ tất cả các tỉnh phía bắc chuyển về, các bệnh viện ở Hà Nội chuyển đến.
Thời điểm đó áp dụng theo giá dịch vụ KCB BHYT do Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, mới tính 4/7 yếu tố kết cấu giá dịch vụ. Trong khi đó, chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, hàng hóa, tiền lương, tiền công… tăng hằng năm do giá thị trường tăng nhưng giá dịch vụ y tế không kịp điều chỉnh theo, nên ảnh hưởng đến cân đối thu chi.
Từ khi dừng cơ chế tự chủ toàn diện, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ theo nghị định số 60 của Chính phủ. Bệnh viện đã thực hiện tự chủ theo nhóm 2, bệnh viện chỉ chi thường xuyên và vẫn được hỗ trợ xây dựng cơ bản, sửa chữa, mua sắm các thiết bị, điều mà Bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạn này khó lòng thực hiện được do tài chính ít.
Đến thời điểm này, dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bệnh viện đã cơ bản tháo gỡ được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hoá chất… đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân với phương châm lấy người bệnh là trung tâm.
PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết thêm: Cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai rất mừng khi có Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1.7.2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng. Bệnh viện Bạch Mai căn cứ vào tình hình thực tế sẽ thực hiện theo Nghị định này.
Tuy nhiên, bệnh viện cũng mong Chính phủ và bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện giá dịch vụ y tế phù hợp với tăng lương cơ bản để bệnh viện đảm bảo thu chi thường xuyên cho nhân viên y tế. Với mức lương cơ sở tăng theo Nghị định này, mỗi tháng Bệnh viện Bạch Mai phải chi khoảng 12 tỉ đồng tăng thêm chỉ riêng lương.
PGS.TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương – cũng cho biết: Bệnh viện sẽ thực hiện tăng lương theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1.7.2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng. Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ toàn bộ chi trường xuyên. Thực hiện tăng lương cơ sở là vấn đề cần thiết, đảm bảo tốt hơn cuộc sống của người lao động. Ban giám đốc bệnh viện đã xem xét, đánh giá tác động tài chính về thu/chi, nhận định đảm bảo đủ nguồn kinh phí để chi trả lương, phụ cấp, thu nhập tăng thêm cho người lao động theo quy định mới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan từng chia sẻ: Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì mức thu nhập gồm lương và phụ cấp ưu đãi nghề rất thấp, không giữ chân được nhân viên y tế.
Bộ Y tế đã nghiên cứu xây dựng quy định về tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, đảm bảo nguồn lực tự chủ hoạt động của các bệnh viện công lập.
Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/thuc-hien-tang-luong-roi-cung-thao-go-kho-khan-1362997.ldo