(BDO) Ngày 9-5, ngày đầu tiên người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương thực hiện việc đeo khẩu trang bắt buộc đối với 6 địa điểm theo Công văn 1283/CV-BCĐ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh. Ghi nhận của phóng viên Báo Bình Dương cho thấy đa số người dân chấp hành nghiêm túc quy định.
Nhân viên, bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang
Nghiêm túc thực hiện
Trong ngày đầu tiếp tục bắt buộc đeo khẩu trang tại 6 địa điểm, ghi nhận tại TP.Thủ Dầu Một cho thấy đa số người dân đều trang bị khẩu trang.
Khoảng 9 giờ sáng, tại khu vực chợ Thủ Dầu Một hoạt động mua bán vẫn diễn ra tấp nập. Hầu hết tiểu thương và người dân đến chợ đều chấp hành việc đeo khẩu trang. Đối với nhiều người, việc đeo khẩu trang là thói quen từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện.
Nhân viên tại trung tâm thương mại đeo khẩu trang phục vụ khách hàng
Bà Đặng Tiểu Liễu, tiểu thương chợ Thủ cho biết: “Khi được chính quyền tuyên truyền việc phòng chống dịch bệnh, buôn bán ở đây lúc nào tôi cũng đeo khẩu trang, đã thành thói quen đến chỗ đông người là phải đeo khẩu trang. Trước đây, dịch bệnh Covid-19 ai cũng sợ, dịch quay lại càng sợ hơn nên mọi người chấp hành tốt quy định để bảo vệ sức khỏe bản thân và mọi người xung quanh”.
Chị Nguyễn Thị Thanh, ở phường Phú Cường thì chia sẻ: “Hễ ra khỏi nhà là tôi đeo khẩu trang. Đeo khẩu trang cũng là cách phòng bệnh truyền nhiễm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân”.
Ghi nhận tại nhiều khu vực công cộng như Bến xe khách Bình Dương hay trên các chuyến xe buýt, xe tốc hành… đa số người dân đều đeo khẩu trang. Nhiều người dân cho biết việc đeo khẩu trang đã trở thành thói quen của họ.
Ghi nhận của phóng viên vào sáng 9-5 trên chuyến xe tốc hành của nhà xe Thành Công đoạn qua Chợ Đình (TP.Thủ Dầu Một) đi Phú Giáo trong khung giờ 7 giờ và 11giờ cho thấy có rất ít trường hợp người dân không đeo khẩu trang. Khi chúng tôi hỏi lý do không đeo khẩu trang những người này cho biết do vội vàng đi ra bến xe nên quên khẩu trang ở nhà.
Nhân viên nhà xe Thành Công, hành khách mang khẩu trang khi tham gia giao thông
Chị Huỳnh Thị Phương, nhân viên Trung tâm y tế TP.Dĩ An nói: “Theo quy định của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, mọi người phải chấp hành đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế. Nếu bệnh nhân, người nhà bệnh nhân không đeo khẩu trang, tôi liền nhắc nhở họ đeo vô đầy đủ. Ở đây, trung tâm còn bố trí nước rửa tay sát khuẩn để bệnh nhân, người thân thường xuyên rửa tay cho an toàn”.
Đeo khẩu trang để phòng bệnh lây nhiễm
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đeo khẩu trang tại những khu vực dễ phát sinh, lây lan dịch bệnh là một trong những biện pháp bắt buộc để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh vừa ban hành công văn đề nghị người dân tiếp tục bắt buộc đeo khẩu trang tại 6 địa điểm theo công văn 2001/UBND-VX của UBND tỉnh. Việc sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng là một biện pháp dự phòng cá nhân góp phần làm giảm sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là đối tượng nguy cơ cao như người có bệnh lý nền, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, người béo phì.
Theo chuyên gia y tế dự phòng, một trong những đường lây lan của Covid-19 là qua các giọt bắn từ đường hô hấp khi nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Virus có thể lây lan bởi những người không có triệu chứng. Cùng với tiêm vắc xin, khử khuẩn, khẩu trang vẫn là lá chắn hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe, làm giảm nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. Đeo khẩu trang theo hướng dẫn của ngành y tế là việc làm mà mỗi người cần thực hiện để cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Công thức 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và vắc xin là biện pháp cơ bản, quan trọng phòng, chống lây nhiễm Covid-19. Đeo khẩu trang góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.
Hoàng Linh