Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), những năm qua, bên cạnh nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã nỗ lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán vẫn còn không ít kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện. Thậm chí, nhiều kiến nghị kiểm toán đã “treo” qua nhiều năm với số tiền đọng hàng nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân là nhiều điểm nghẽn cơ chế, chính sách chưa được khơi thông…
Thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán để khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế |
Theo số liệu thống kê, rà soát của KTNN, phần lớn các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã được các đơn vị nỗ lực, nghiêm túc thực hiện (bình quân khoảng 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán) và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo đối với số kiến nghị còn lại mỗi năm với tỷ lệ khoảng 15-20%. Tuy nhiên, còn không ít kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, trong đó, các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với niên độ ngân sách nhà nước năm 2021, năm 2020 và năm 2019 trở về trước chưa thực hiện, đang được KTNN theo dõi, đôn đốc.
Điều này đồng nghĩa với việc, nếu không được quan tâm, xử lý quyết liệt thì hàng nghìn tỷ đồng kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi, thu hồi nộp ngân sách nhà nước sẽ không được thực hiện đầy đủ, kịp thời và có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.
Chẳng hạn, qua đôn đốc, rà soát, KTNN chuyên ngành IV chỉ ra hàng loạt dự án còn tồn đọng kiến nghị kiểm toán. Điển hình như tại Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, TP. Hà Nội theo hình thức hợp đồng BOT (kiểm toán năm 2021 với niên độ NSNN năm 2020), tính đến ngày 31/3/2023, Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ chưa thực hiện kiến nghị xử lý tài chính hơn 109 tỷ đồng. Tại Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh – Uông Bí theo hình thức hợp đồng BOT (kiểm toán năm 2018, niên độ NSNN 2017), số kiến nghị xử lý tài chính tồn đọng chưa được Công ty Cổ phần BOT Phả Lại thực hiện đến ngày 31/3/2023 là hơn 106,7 tỷ đồng…
Hay tại TP. Hà Nội, qua công tác rà soát và phối hợp với KTNN trong việc đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy, số kiến nghị tồn đọng chưa thực hiện trên địa bàn Thành phố còn lớn. Tính đến ngày 31/7/2023, số kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện là hơn 9.326 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhiều kiến nghị xử lý tài chính tồn đọng số tiền lớn do vướng mắc về cơ chế, chính sách với tổng số tiền hơn 1.220 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là kiến nghị tại báo cáo kiểm toán Dự án khu đô thị mới Dương Nội đối với Tập đoàn Nam Cường và UBND quận Hà Đông trong việc thực hiện kiến nghị khác liên quan tới việc giao đất dịch vụ (525.658 triệu đồng); kiến nghị chưa thực hiện do nhà thầu không hợp tác, hoặc có tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu (12 kiến nghị) với số tiền hơn 1.731 tỷ đồng…
Bên cạnh tồn đọng trong thực hiện kiến nghị xử lý tài chính, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật nhằm “bịt lỗ hổng” cơ chế, chính sách; kiến nghị về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân – cũng còn rất khiêm tốn. Trong đó, nhiều văn bản được KTNN kiến nghị sửa đổi, bổ sung có ảnh hưởng lớn đến công tác điều hành, quản lý kinh tế – xã hội, sử dụng ngân sách nhà nước song chưa được các đơn vị tập trung thực hiện.
Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Thành phố đã nhận diện 14 nguyên nhân dẫn đến nhiều kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện. Trong đó, có một số nguyên nhân lớn như: Nhà thầu chưa thống nhất được với chủ đầu tư về thực hiện kiến nghị kiểm toán; dự án đang trong giai đoạn triển khai chưa quyết toán hoàn thành nên chưa thực hiện; doanh nghiệp hoặc các đơn vị liên quan gặp khó khăn về tài chính.
Tuy nhiên, “nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là sự thiếu quyết tâm, quyết liệt của đơn vị được kiểm toán, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán chưa được quan tâm đúng mức”, ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Trần Văn Lâm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều kiến nghị kiểm toán bị tồn đọng. Trong đó, có nhóm nguyên nhân thuộc về khách quan, tức là kiến nghị kiểm toán rất đúng, thời điểm đưa ra kiến nghị rất xác đáng nhưng sau đó do biến động tình hình, đặc biệt là các đối tượng phải thực hiện kiến nghị có sự thay đổi như: doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc một số chủ thể cải tổ, sắp xếp, thay đổi bộ máy, biên chế, con người… khiến việc tổ chức thực hiện kiến nghị kiểm toán khó khăn, thậm chí không còn khả năng thực hiện được.
Nhấn mạnh việc các đơn vị được kiểm toán không thực hiện một cách quyết liệt, triệt để là yếu tố chính khiến các kết luận, kiến nghị chưa được thực thi, ông Lâm cũng thẳng thắn chỉ ra, trong một số trường hợp kiến nghị của KTNN chưa đảm bảo chặt chẽ. Điều đó trở thành cái cớ cho đối tượng kiểm toán “vin” vào để không thực hiện kiến nghị đó, thậm chí không thực hiện cả những kiến nghị khác.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, việc tồn tích số lượng lớn số kiến nghị kiểm toán về xử lý tài chính, nếu so sánh với nguồn thu ngân sách thì đó có thể coi là một sự lãng phí, thất thoát nguồn lực lớn, trong khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhu cầu đầu tư, phát triển rất lớn.
Còn theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, các kiến nghị về cơ chế, chính sách từ niên độ kiểm toán năm 2019 trở về trước đến nay vẫn chưa được thực hiện chính là một trong những “điểm nghẽn” cần phải tập trung tháo gỡ. Đặc biệt, với những cơ chế, chính sách không đúng quy định của Nhà nước và thực tiễn thì cần được làm rõ và có hướng xử lý phù hợp; bởi “nếu đã sai mà không thực hiện ngay thì sẽ tiếp tục sai trong những năm sau”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay, Ủy ban Tài chính, Ngân sách sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Trung ương kịp thời hướng dẫn, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để xử lý các đề xuất, kiến nghị thuộc chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, cơ quan.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ kịp thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan như Luật Ngân sách nhà nước hay các nghị định, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành… nhằm tạo hành lang pháp lý để thực hiện tốt hơn các kết luận, kiến nghị kiểm toán; ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong quản lý tài chính công, tài sản công.
Tuy nhiên, mọi giải pháp nhằm đổi mới, từ đó nâng cao kết quả thực hiện kiến nghị đều bắt nguồn từ yếu tố con người, trong đó, người đứng đầu đóng vai trò then chốt. Do đó, để thực sự tạo chuyển biến trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Lãnh đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng cho biết sẽ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện các kết luận của KTNN. Đồng thời, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách làm việc với KTNN, các Bộ, ngành, các địa phương để tiếp tục giám sát, hoàn chỉnh các số liệu để tổng hợp báo cáo Quốc hội khi xem xét, phê duyệt quyết toán ngân sách nhà nước.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/thuc-hien-ket-luan-kien-nghi-kiem-toan-de-khoi-thong-nguon-luc-phat-trien-kinh-te-151589.html