TPO – Phong trào thi đua và công tác giảm nghèo tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Các chương trình giảm nghèo được triển khai đồng bộ, có sự phân công trách nhiệm từ Ban chỉ đạo các cấp nên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Năm 2022 còn 3,56% hộ nghèo
Với mục tiêu đề ra, việc tổ chức Phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã tạo được hiệu quả thiết thực. Kết quả, qua 02 năm 2021, 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo chung, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 4,93% cuối năm 2021 xuống còn 3,56% vào cuối năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,37%, tương ứng hộ nghèo giảm 4.271 hộ (từ 16.006 hộ – 11.735 hộ).
Chính sách bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện đầy đủ và kịp thời, có 56.615 người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 19.171 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn từ nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng các chính sách về trợ cấp xã hội, hỗ trợ tiền điện, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.
Từ cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã giúp đỡ người nghèo xóa nhà tạm, xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vốn sản xuất, khám chữa bệnh, hỗ trợ học tập… với số tiền 9,884 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, qua triển khai thực hiện Phong trào thi đua, các tổ chức đoàn thể đã chủ động phối hợp với ngành cấp trên tập huấn khuyến nông và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho các hội viên, hộ gia đình, góp phần giúp các hội viên, hộ gia đình tích cực phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.
Điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp từ năm 2021 đến nay đã giúp cho 370 hộ thoát nghèo, 265 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; 140.215 hộ gia đình đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”; 394 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thành lập và duy trì 06 hợp tác xã, 11 tổ hợp tác, 78 tổ liên kết, sản xuất thực phẩm sạch, an toàn do phụ nữ quản lý trên nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ….
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tập trung thực hiện đồng loạt, rộng khắp, hiệu quả cụ thể: tổ chức 2.120 hoạt động tình nguyện, thu hút hơn 61.230 cán bộ, đoàn viên thanh niên tham gia. Kết quả đã tặng hơn 9.635 suất quà, 27 con bò giống, 3.790 thùng sữa, tổ chức 9 đợt khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 4.200 thanh thiếu nhi và bà con nhân dân; Xây dựng 18 Nhà nhân ái và Nhà Khăn quàng đỏ với tổng trị giá hơn 6,2 tỷ đồng; Trao tặng mô hình hỗ trợ sinh kế cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn,…
Nhiều mô hình hay, thiết thực
Để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra, đề án “Giảm nghèo bền vững của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025”, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm hay và mới giúp các hộ dân thoát nghèo.
Cách làm sáng tạo như phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” do Tỉnh ủy phát động đã được các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện .
Các mô hình hay, thiết thực ở thành phố Huế như “Đổi phế liệu lấy cây xanh”, mô hình “Ngôi nhà xanh”, “Biến rác thải thành tiền”, “Đổi phế liệu lấy quà tặng”… đã được triển khai hiệu quả, đồng bộ. Tính đến nay có sự tham gia hưởng ứng của gần 413 ngàn lượt người; thu gom hơn 8 tấn phế liệu, 11 tấn rác thải, 50 ngàn vỏ bia, gần 4 tấn giấy vụn và ni lông, thu được hơn 150 triệu đồng từ nguồn thu gom bán phế liệu, đổi được hơn 1.000 cây xanh và trao quà cho trẻ em, hộ nghèo…
Một số mô hình giảm nghèo cũng được nhân rộng như: Nuôi cá lồng trên sông Ô Lâu; nuôi lợn nái Phong Điền; sản xuất nông nghiệp tổng hợp huyện Quảng Điền; nuôi cá hồng mỹ, nuôi cá vẩu, nuôi gà thả vườn, nuôi cá nước ngọt ở huyện Phú Vang; nuôi gà trên đệm lót sinh học ở huyện Phú Lộc.
Thực hiện phương châm “trao cần câu hơn xâu cá”, hai huyện A Lưới và Nam Đông tận dụng, khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình làm ăn giỏi, có uy tín trong cộng đồng tham gia giúp đỡ, hướng dẫn hộ nghèo học tập, làm theo từ các mô hình sản xuất, sinh kế hiệu quả.
Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện A Lưới tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Minh Tâm |
Phấn đấu cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2,0-2,2%
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, coi Phong trào thi đua là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, địa phương; sáng tạo, áp dụng các hình thức, nội dung thi đua phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi ngành, địa phương, phát huy tinh thần tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, người nghèo, huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó tiếp tục gắn kết Phong trào thi đua với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, huy động, lồng ghép nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách nhà nước, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác, chú trọng huy động sự đóng góp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến và những sáng kiến, kinh nghiệm, mô hình hay, những cách làm sáng tạo trong thực hiện chính sách, Chương trình giảm nghèo; đồng thời, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua.
Từ đó, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2,0-2,2%, các xã có tỷ lệ nghèo cao trên 25% giảm bình quân từ 3,5 – 4,0%/năm.
Nguồn: https://tienphong.vn/thuc-hien-hieu-qua-phong-trao-thi-dua-vi-nguoi-ngheo-khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-post1558924.tpo