Sau 1 năm triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Công an tỉnh đã phát huy vai trò Cơ quan thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2023.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công an, năm 2022 Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác Đề án 06 tỉnh để sớm tạo tiền đề và cơ sở pháp lý triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm, tình hình của tỉnh, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng CNTT sẵn có, tỉnh đã gắn việc triển khai Đề án 06 với công cuộc chuyển đổi số, coi đó là mục tiêu quan trọng, là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công của công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.
Để tập trung nhân lực, phương tiện phục vụ triển khai Đề án 06, năm 2022 Công an tỉnh đã mở chiến dịch 15 ngày “làm sạch dữ liệu dân cư” và cao điểm “90 ngày đêm” với tinh thần quyết liệt, thần tốc, không ngại khó, ngại khổ để làm CCCD gắn chip và mã định danh cá nhân cho công dân. Đồng thời thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng để huy động sự vào cuộc của toàn dân. Đến nay toàn tỉnh có 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng với 11.255 thành viên, trong đó nòng cốt là bí thư chi bộ – trưởng thôn (bản, khu phố), cảnh sát khu vực…
Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, công tác tuyên truyền được đổi mới với nhiều hình thức: Phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan sinh động; duy trì tốt hoạt động của các trang fanpage trên mạng xã hội Facebook để hỗ trợ người dân các thông tin liên quan đến Đề án 06, nổi bật là trang fanpage “Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH, Công an tỉnh Quảng Ninh”.
Đến nay trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, toàn tỉnh có hơn 1,4 triệu nhân khẩu thường trú và hơn 51.000 nhân khẩu tạm trú; cấp CCCD gắn chip điện tử cho hơn 1 triệu nhân khẩu thường trú (96,12%) và gần 50.000 nhân khẩu tạm trú (96,25%). Trong số 25 dịch vụ công thiết yếu được lực lượng công an triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, có 21 dịch vụ đã phát sinh hồ sơ, một số dịch vụ công đạt tỷ lệ cao, như thông báo lưu trú (99,1%), cấp xác nhận số chứng minh nhân dân (78,4%)… Những kết quả đạt được năm 2022 là tiền đề cho việc triển khai nhiệm vụ những năm tiếp theo.
Năm 2023 được xác định là năm trọng điểm trong xây dựng dữ liệu số, tạo bứt phá về chuyển đổi số toàn diện và các mục tiêu tầm nhìn 2030 của Đề án 06. Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, Công an tỉnh đã xác định 40 nhiệm vụ cụ thể và đặt ra yêu cầu cho lực lượng công an toàn tỉnh phải hoàn thành trước tháng 6/2023.
Tại hội nghị trực tuyến đánh giá về công tác thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số do Bộ Công an tổ chức ngày 1/4/2023, Thượng tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh, nêu rõ: Để giải quyết các chỉ tiêu cấp CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử, làm sạch dữ liệu dân cư theo chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch và phát động đợt cao điểm 80 ngày đêm triển khai cấp CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử và làm sạch dữ liệu dân cư; phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
Đến nay trong số 18 nhiệm vụ Đề án 06 năm 2023, Quảng Ninh đã hoàn thành 4/8 nhiệm vụ có thời hạn trong quý I/2023; duy trì đôn đốc, triển khai quyết liệt 10/10 nhiệm vụ thường xuyên; tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ để triển khai hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.