6 tháng đầu năm 2023, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, gia tăng cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Nguyên nhân khiến TNGT gia tăng chủ yếu xuất phát từ ý thức chủ quan của một bộ phận người tham gia giao thông. Để hạn chế hậu qủa đáng tiếc do TNGT gây ra những tháng cuối năm 2023, các cấp, ngành, địa phương đơn vị cần chỉ đạo, đôn đốc, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm kéo giảm TNGT một cách bền vững.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù các cấp, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp nhưng tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng bất thường. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 148 vụ tai nạn, va chạm giao thông, làm chết 71 người, 119 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2022 tăng 31 vụ (tăng 26,5%), tăng 2 người chết (tăng 2,9%), tăng 41 người bị thương (tăng 52,6%). Cụ thể đường bộ xảy ra 147 vụ tai nạn, va chạm giao thông, làm 71 người chết, 118 người bị thương; đường sắt xảy ra 1 vụ, làm 1 người bị thương. Đáng lo ngại hơn là trong tháng 6/2023, tình hình tai nạn, va chạm giao thông trên địa bàn tỉnh tăng cao: toàn tỉnh xảy ra 45 vụ tai nạn, va chạm giao thông, làm chết 15 người, bị thương 41 người (tăng 27 vụ, tăng 1 người chết, tăng 29 người bị thương so với tháng 5/2023 và tăng 17 vụ, tăng 5 người chết, tăng 19 người bị thương so với cùng kỳ năm 2022).
Qua phân tích cho thấy, tai nạn, va chạm giao thông tăng cao tại một số tuyến đường, như: tỉnh lộ và đường nội thị xảy ra 56 vụ, làm 26 người chết, 50 người bị thương (tăng 23 vụ, tăng 9 người chết, tăng 30 người bị thương so với cùng kỳ); đường giao thông nông thôn xảy ra 33 vụ, làm 16 người, 27 người bị thương (so với cùng kỳ tăng 7 vụ, tăng 2 người chết, tăng 10 người bị thương); quốc lộ 21A, 21B xảy ra 20 vụ, làm 8 người chết, 15 người bị thương (tăng 7 vụ, 1 người chết, 7 người bị thương so với cùng kỳ)… Cũng trong 6 tháng đầu năm, thông qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm đối với 8.831 trường hợp, phạt tiền 28,551 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe gần 3 nghìn trường hợp, tạm giữ trên 1.817 phương tiện các loại.
Nguyên nhân dẫn đến gia tăng tai nạn, va chạm giao thông trong thời gian qua: Do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế; vi phạm TTATGT còn xảy ra nhiều, đặc biệt là các hành vi: sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi lái xe; không chấp hành biển báo, đèn tín hiệu giao thông; chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, phần đường; chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT chưa thật sự đổi mới, chưa duy trì thường xuyên, chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng tiếp nhận, kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT còn hạn chế. Người dân sinh sống dọc hai bên một số tuyến đường giao thông còn vi phạm lấn chiếm hành lang, lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh, họp chợ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về TTATGT còn nhiều thiếu sót; kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, mặt đường một số tuyến đường liên huyện, đường xã bị hư hỏng, xuống cấp; đường nông thôn hẹp, có nhiều góc khuất, nhiều điểm giao cắt; hệ thống đèn chiếu sáng trên một số tuyến đường nội thị, đường giao thông nông thôn hạn chế, ảnh hưởng đến tầm nhìn của lái xe khi trời tối, trời mưa; hệ thống biển báo tại một số “điểm đen”, điểm nguy hiểm về giao thông lắp đặt chưa phù hợp; một số ngã ba, ngã tư còn thiếu gờ giảm tốc, vạch kẻ đường.
Trong khi đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT; chưa kiên quyết xử lý tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang ATGT ngay từ khi phát hiện vi phạm. Công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT mặc dù đã được tăng cường, triển khai nhưng có lúc, có nơi chưa duy trì thường xuyên, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, vẫn còn nhiều địa bàn, tuyến đường giao thông nông thôn chưa được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ.
Trước tình hình TNGT tăng đột biến trong 6 tháng qua, với quyết tâm kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh từ 5-10%, tại hội nghị triển khai công tác bảo đảm TTATGT quý III/2023, đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn phụ trách. Tất cả các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, gắn với xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan. Cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang ATGT. Trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông, tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả mọi hành vi vi phạm về bảo đảm TTATGT đều phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan chức năng. Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về TTATGT phải được thông báo về cơ quan, đơn vị, địa phương; kiên quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm đối với những vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ.
UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm là nguyên nhân chính, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như: Điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, cơi nới thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải… Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT theo hướng cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, tôn giáo, nhóm lứa tuổi, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT; xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động một số mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm TTATGT.
Ban ATGT tỉnh thành lập, tổ chức đoàn kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là những địa phương có TNGT tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2023, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, đề xuất biện pháp xử lý theo Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND ngày 4/5/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định trách nhiệm và các hình thức khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức viên chức và người có trách nhiệm liên quan trong công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh.
Để cụ thể hóa quyết tâm kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh từ 5-10% trong 6 tháng cuối năm theo chỉ tiêu Ban ATGT tỉnh đề ra tại cuộc họp triển khai công tác bảo đảm TTATGT quý III/2023 rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệthơn nữa của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Và quan trọng hơn là cùng với nỗ lực từ cấp ủy, chính quyền, MTTQ, ban, ngành, đoàn thể thì mỗi người dân hãy tích cực, tự giác cả trong suy nghĩ và hành động bằng việc chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật Giao thông đường bộ, ứng xử thực sự có văn hóa khi tham gia giao thông.
Trần Ích