An ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề hệ trọng, cấp bách, lâu dài, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc. Thời gian qua, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATTP và đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức, ý thức của người kinh doanh, người tiêu dùng về VSATTP từng bước được nâng cao.
Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh lấy mẫu xét nghiệm nhanh thực phẩm đầu vào tại bếp ăn Khách sạn Nam Cường (thành phố Nam Định). |
Theo số liệu thống kê của BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 11.600 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Ngoài ra còn có gần 7.000 cơ sở kinh doanh thu gom, sơ chế, chế biến thực phẩm, tàu cá, kinh doanh thuốc thú y, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh và các sở, ngành đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo công tác đảm bảo ATTP; tăng cường chỉ đạo về công tác đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại trường học, tại bếp ăn tập thể, phòng chống ngộ độc rượu trên địa bàn. UBND các huyện, thành phố ban hành 36 văn bản chỉ đạo công tác ATTP. BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh và các địa phương thường xuyên được kiện toàn, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác quản lý về ATTP theo phân cấp; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học kỹ thuật – công nghệ thông tin trong quản lý ATTP. Các sở, ban, ngành tăng cường quản lý Nhà nước về công tác ATTP theo chức năng, nhiệm vụ. Sở Y tế chủ trì phối hợp với các ngành tổ chức thực hiện các hoạt động đảm bảo ATTP; kiểm tra, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, điều kiện đảm bảo ATTP tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sản phẩm thực phẩm; kịp thời có biện pháp xử lý và cảnh báo cho người tiêu dùng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; xây dựng kế hoạch giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản; kiểm tra, giám sát chặt chẽ vệ sinh thú y tại cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm…
Các ngành chức năng, các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp tham mưu với UBND tỉnh, BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền kiến thức về ATTP tới chủ cơ sở, người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông sản, thực phẩm và người tiêu dùng. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã kẻ vẽ, treo 1.086 pa-nô, băng rôn, khẩu hiệu; 370 tranh cổ động, áp phích; phát 54.800 tờ gấp cho người sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm. Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh và hệ thống đài phát thanh, truyền thanh các huyện, thành phố tăng cường chuyên mục, chuyên trang về ATTP; thông tin, tuyên truyền kịp thời về các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm ATTP với hơn 10 nghìn lượt tin, bài; tổ chức 155 hội nghị truyền thông, nói chuyện chuyên đề với trên 3.800 lượt người tham dự; tổ chức 50 lớp tập huấn về công tác VSATTP cho hơn 2.000 người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ lồng ghép tuyên truyền trong các hội nghị, các buổi sinh hoạt. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của pháp luật về ATTP; các thông điệp đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán, chủ đề Tháng hành động vì ATTP năm 2023: “Đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới”; biểu dương, quảng bá các sản phẩm, mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, chất lượng cao. Tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh “Ăn sạch, ở sạch, uống sạch” cho nhân dân. Cảnh báo người tiêu dùng những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật; những nguy cơ tiềm ẩn mất an ninh, ATTP. Qua các hoạt động tuyên truyền đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP của người kinh doanh và người tiêu dùng.
Cùng với công tác truyền thông, BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh và các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ATTP được tiến hành thường xuyên. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 491 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP (tuyến tỉnh 15 đoàn, tuyến huyện 24 đoàn, tuyến xã 452 đoàn), tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trọng điểm. Nội dung kiểm tra tập trung vào các vấn đề, như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP; Giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; Giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức ATVSTP của chủ cơ sở, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; hồ sơ theo dõi chất lượng sản phẩm, phiếu kiểm nghiệm định kỳ; quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; nguồn nước dùng cho chế biến thực phẩm; kiểm tra điều kiện đảm bảo ATVSTP của cơ sở, trang thiết bị; giám sát phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học, bữa cỗ tập trung đông người, thức ăn đường phố…
Qua kiểm tra, thanh tra tại 3.866 cơ sở cho thấy, đa số các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, nhất là các bếp ăn tập thể chấp hành tốt quy định của pháp luật về ATTP, như: Thực hiện ký cam kết bảo đảm ATTP; khám sức khỏe định kỳ, xác nhận kiến thức ATTP cho người quản lý và người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm; ký hợp đồng trách nhiệm với người cung cấp thực phẩm; ghi chép sổ lưu mẫu thức ăn, đồng thời thực hiện lưu mẫu thức ăn đảm bảo theo quy định. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ sơ chế, chế biến thực phẩm tại các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể cơ bản đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vừa và nhỏ ý thức chấp hành quy định về ATTP chưa đầy đủ. Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 116 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm quy định về ATTP (chiếm 2,9% tổng số cơ sở được kiểm tra, thanh tra); xử lý hành chính 86 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 313 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là: Không có đủ dụng cụ sử dụng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm đã qua chế biến, nơi chế biến có côn trùng động vật gây hại; người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang, cắt ngắn móng tay; kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; không niêm yết giá; không thực hiện kiểm thực 3 bước; cống rãnh thoát nước thải tại cơ sở và khu vực chế biến thực phẩm không được che kín; phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng. Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã quyết định tịch thu, tiêu hủy 22 loại sản phẩm không đảm bảo chất lượng VSATTP; 264kg nội tạng lợn và các sản phẩm từ động vật không đảm bảo ATTP và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; 150 gói chân gà, 21 gói kẹo, 24 chai gia vị, 95 gói da cá chế biến sẵn… không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, tổng trị giá hàng hóa tịch thu tiêu hủy trên 19 triệu đồng; đồng thời yêu cầu 26 cơ sở khắc phục những vi phạm, nguy cơ mất ATTP. Chi cục ATVSTP tỉnh cũng triển khai giám sát đảm bảo ATVSTP phục vụ các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch diễn ra trên địa bàn tỉnh, đảm bảo ATTP tuyệt đối cho các đại biểu, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, sự cố về ATTP, góp phần đảm bảo sức khỏe cho các vị đại biểu cũng như quảng bá, tạo ấn tượng tốt về ẩm thực quê hương.
Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm có trên 30 người mắc, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng như người tiêu dùng đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện ATTP. Phát huy kết quả đạt được, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là các ngành thành viên BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh, các địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATTP, nhất là công tác hậu kiểm ATTP. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết và phân biệt thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn. Khuyến khích xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Các ngành chức năng và các địa phương thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP./.
Bài và ảnh: Minh Tân