Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, từng làm nức lòng những người say sưa với văn hóa truyền thống dân tộc.
Cùng tác giả Lê Ngọc Huy …. qua bộ ảnh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt”. Bộ ảnh cũng được tác giả gửi tham dự Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần.
Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân.
Tại các điện thờ Thánh Mẫu, nghi thức thờ cúng hàng ngày do các thủ nhang thực hiện. Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng và lễ hội.
Trong khi hầu đồng, người được nhập đồng múa các điệu theo tính cách của từng giá đồng, còn ở dưới Cung văn tấu lên theo làn điệu chầu văn, lời ca mô tả nhân vật của giá đồng, tả quang cảnh nhân vật xuất hiện, kể sự tích và công đức của các Thánh.
Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người.
Sức mạnh và ý nghĩa của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người như cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu làm ăn phát đạt…
Đặc biệt, giai điệu và tiếng hát chầu văn lảnh lót mê đắm lòng người, toàn bộ phần diễn xướng khiến người xem như lạc vào thế giới siêu nhiên của các vị Thánh.
Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn. Điều này được biểu hiện cụ thể qua hệ thống các vị thần trong điện thần Tam phủ (khoảng 70 vị thần), trong đó có nhiều vị vốn là những nhân vật lịch sử, được thần linh hóa như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí…).
Với tính cởi mở của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nên mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp.
Thực hành và tham dự vào nghi lễ lên đồng và các hoạt động lễ hội để cầu sức khỏe, may mắn, hạnh phúc, thể hiện khát vọng trong cuộc sống thường ngày, hướng con người đến lòng từ bi bác ái như là nền tảng của những nguyên tắc ứng xử giữa con người với con người.
Xét về tổng quan thì Đạo mẫu chính là nét đẹp văn hóa mang đặc trưng của dân tộc cần được bảo tồn và phát triển, nếu được giữ gìn và quản lý phát triển đúng cách thì nó là một nét đẹp, một điểm nhấn trong Văn hóa của dân tộc./.
Vietnam.vn