Chiều 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 33 cho ý kiến về Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Quang cảnh phiên họp |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Chính phủ đã hoàn thành khối lượng lớn các nhiệm vụ lập pháp; quan tâm chỉ đạo ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, chế độ trên các lĩnh vực; ban hành nhiều chính sách và giải pháp thực hiện chính sách tài khóa, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và thu ngân sách; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường thanh tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách được tăng cường. Nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu tiết kiệm triệt để, chống lãng phí được quán triệt và thực hiện từ khâu lập dự toán đến phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN). Điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.
Kết quả đã tiết kiệm được 83.087 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2022 (năm 2022 tiết kiệm chi NSNN đạt 53.887 tỷ đồng). Có 31 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố có số tiết kiệm về chi ngân sách, trong đó một số bộ, ngành, địa phương có số tiết kiệm cao; một số địa phương đã thực hiện tốt việc tiết kiệm chi thường xuyên. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên phạm vi cả nước nhất là các công trình trọng điểm quốc gia đạt cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Công tác quản lý, sử dụng tài sản công cơ bản chặt chẽ, tiết kiệm từ khâu đầu tư, mua sắm đến khai thác, sử dụng. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục cập nhật, vận hành có hiệu quả. Nhiều Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp, bố trí lại trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Tuy đạt nhiều kết quả tích cực song công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí, là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Thứ nhất, công tác hoàn thiện thể chế có nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên có những tồn tại, hạn chế qua nhiều năm nhưng chưa được khắc phục.
Một số bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; có dự án luật khi trình chưa bảo đảm chất lượng, hồ sơ chưa đúng quy định; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh tiếp tục diễn ra. Sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư, đất đai, bất động sản, nhà ở, xây dựng, quy hoạch cũng như việc thực thi thiếu nhất quán của một số địa phương khiến cho việc triển khai các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn, ách tắc, lãng phí, nhiều dự án phải dừng thi công do vướng thủ tục pháp lý, doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp… Chậm ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới đổi mới, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai, công tác quản lý, sử dụng ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế dẫn tới lãng phí nguồn lực. Chậm phân bổ ngân sách (phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022; phân bổ dự toán năm 2023), chậm phân bổ vốn đầu tư công (đến tháng 10/2023 chưa phân bổ chi tiết 45.639,909 tỷ đồng, tương đương 6,5% tổng nguồn chi đầu tư phát triển từ vốn NSNN năm 2023). Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cho thấy có 91/115 bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả nước, có đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn.
Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục chậm, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình. Việc triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội chưa đạt mục tiêu, yêu cầu, làm lãng phí nguồn lực. Đến 31/01/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình mới đạt 77.390 tỷ đồng/130.500 tỷ đồng, bằng khoảng 59% kế hoạch vốn; 107/272 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, một số dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng lĩnh vực giao thông vận tải được giao kế hoạch vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Thứ ba, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công còn nhiều tồn tại, lãng phí.
Thứ tư, còn nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước.
Thứ năm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức, bộ máy; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước mặc dù được cải thiện song vẫn còn nhiều hạn chế dẫn lãng phí về nguồn lực và thời gian.
Thứ sáu, tồn tại, lãng phí trong triển khai các dự án đầu tư bất động sản.
Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ: Tăng cường các biện pháp tổ chức thực hiện Chị chị số 27-CT/TW, Nghị quyết số 74/2022/QH15 và Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đổi mới công tác tuyên truyền về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, lồng ghép nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình học tập, giảng dạy ngoại khóa trong trường học.
Rà soát, tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong đó có Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về tiêu chuẩn, chế độ, định mức; Tiếp tục siết chặt kỷ cương – kỷ luật tài chính; Có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai Chương trình 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và đầu tư công, chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành, đưa vào sử dụng nhằm phát huy giá trị của các dự án đầu tư theo Chương trình phục hồi kinh tế; Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư công, Chương trình mục tiêu quốc gia, mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư…
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-nam-2023-dat-83087-ty-dong-151706.html