Tạo thuận lợi cho mọi người học tập suốt đời
Phát biểu khai mạc hội thảo – tập huấn, ông Hoàng Đức Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định: xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân học tập suốt đời là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Ngày 13.4.2007, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và Kết luận số 49-KL/TW ngày 10.5.2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW.
Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4.11.2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đã chỉ rõ một trong các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam là “hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”.
Đặc biệt, Luật Giáo dục 2019 ra đời đã thể chế hóa các quan điểm và chỉ đạo của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, tạo hành lang pháp lý để phát triển giáo dục Việt Nam theo hướng mở, liên thông, tạo cơ hội học tập bình đẳng và suốt đời cho mọi người dân.
Gần đây nhất, Kết luận số 91-KL/TW ngày 12.8.2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, khẳng định tiếp tục xây dựng xã hội học tập và một trong những chủ trương quan trọng là cần sớm xây dựng luật về học tập suốt đời. Nhiều nghị quyết và đề án xây dựng xã hội học tập ở các giai đoạn cũng đã được xây dựng.
Theo ông Hoàng Đức Minh, Bộ Giáo dục Đào tạo cũng đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và những mô hình để hướng tới hình thành xã hội học tập, từ công dân học tập, cho tới gia đình, cộng đồng học tập, đơn vị học tập, hình thành một hệ thống về xã hội học tập, cùng với các điều kiện thực hiện… Bộ cũng ban hành Thông tư số 24/2023/TT-BGDĐT quy định về đánh giá “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh; Thông tư số 25/2023/TT-BGDĐT quy định về đánh giá, công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh…
Xây dựng xã hội học tập chưa đồng đều
Để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, không thể thiếu các mô hình học tập từ cơ sở, bao gồm mạng lưới cơ sở giáo dục, trong đó giáo dục thường xuyên làm nòng cốt với các phương thức, hình thức học tập đa dạng như: “công dân học tập”, “cộng đồng học tập”, “thành phố học tập”, “đơn vị học tập”….
Mô hình đơn vị học tập cấp huyện, cấp tỉnh tiếp cận từ mô hình tổ chức học tập (leaning organization) áp dụng đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương; cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -xã hội cấp tỉnh); cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy; cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh… và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Mô hình này nhằm tạo cơ hội và điều kiện cho thành viên trong đơn vị được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng mẫu hình công dân học tập trong các đơn vị, làm nòng cốt xây dựng các mô hình học tập trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của các thành viên trong đơn vị.
Việc hướng dẫn xây dựng đơn vị học tập của các địa phương đã kịp thời và triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; nhiều đơn vị đã tạo cơ hội, tạo điều kiện cho các thành viên trong đơn vị được học tập thường xuyên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu vị trí công tác. Việc hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, xếp loại đơn vị học tập được chỉ đạo thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp huyện và triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình triển khai, công tác xây dựng xã hội học tập phát triển chưa đồng đều; một số ngành, địa phương chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng xã hội học tập nên phong trào phát triển chưa đều khắp. Việc phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở một số nơi còn chưa thống nhất, chưa đồng bộ, chưa thường xuyên.
Một số cơ quan, địa phương chưa thật sự nhận thức đúng mức yêu cầu, tầm quan trọng mang tính chiến lược của công tác đào tạo, bồi dưỡng; ý thức tự học của một số ít cán bộ, công chức trong việc học tập nâng cao trình độ để phục vụ công việc còn hạn chế… Điều này tác động không nhỏ đến quy mô và đặc điểm xây dựng và phát triển mô hình đơn vị học tập trong cả nước.
Tại hội thảo – tập huấn, các đại biểu cũng tập trung chia sẻ bài học kinh nghiệm thực tiễn triển khai xây dựng đơn vị học tập tại một số địa phương; trao đổi về giải pháp thúc đẩy đơn vị học tập, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2025 – 2030. Bên cạnh đó là các chuyên đề: giới thiệu Thông tư số 24 và đánh giá, công nhận đơn vị học tập; đánh giá, công nhận Công dân học tập để đánh giá, công nhận đơn vị học tập; thực hành xây dựng kế hoạch xây dựng đơn vị học tập cấp huyện, tỉnh… Chương trình diễn ra đến hết ngày 28.8.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/giao-duc–y-te1/thuc-day-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-o-dia-phuong-i386028/