Đây là thời điểm thích hợp để vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ rà soát, sắp xếp lại bộ máy và đội ngũ theo hướng tinh gọn, hiệu quả
Xung quanh mục tiêu đưa vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 như yêu cầu của Thủ tướng, Báo Người Lao Động đã trao đổi với chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, về những thách thức, cơ hội và giải pháp.
Mất dần lợi thế cạnh tranh
Phóng viên: Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, không chỉ TP HCM mà các địa phương khác đều là những hạt nhân chiến lược nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, vì sao?
– Chuyên gia ĐỖ THIÊN ANH TUẤN: Nhiều năm qua chúng ta không còn thấy tăng trưởng hai con số ở bất kỳ địa phương nào trong vùng Đông Nam Bộ như những thập niên trước đây, trong khi ở khu vực phía Bắc không còn là điều hiếm.
Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, quy mô kinh tế vùng Đông Nam Bộ nói chung và từng địa phương trong vùng nói riêng đều giảm sút so với cả nước. Vai trò tiên phong càng bị lu mờ trong bối cảnh sự nổi lên của nhiều địa phương trong cả nước, nhất là các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Thực trạng này cho thấy không chỉ các địa phương trong vùng phải nhìn lại trách nhiệm quản lý của mình mà Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành cũng phải xem lại vai trò tái phân bổ nguồn lực và kiến tạo thể chế phát triển.
Nguyên nhân của những hạn chế này, lớn nhất là gì thưa ông?
– Có rất nhiều nguyên nhân. Ở góc độ địa phương, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng của những thập niên đầu, nay không còn phù hợp. Mô hình đó chủ yếu dựa vào đầu tư vốn và thu hút người nhập cư. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng của các địa phương là rất thấp, chỉ khoảng 40%-45%. Do năng suất biên của vốn giảm dần, nên để truy trì tăng trưởng cao, đòi hỏi các tỉnh trong vùng phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu, đưa khoa học – công nghệ thành yếu tố nội sinh, tức phải đầu tư cho công nghệ và vốn con người nhiều hơn. Quá trình này mất nhiều thời gian và đòi hỏi phải có nhiều thể chế thực sự đột phá mới chuyển đổi thành công được.
Đáng tiếc, đến nay vẫn không có nhiều thể chế mới được tạo điều kiện thử nghiệm ở những địa phương tiên phong vùng Đông Nam Bộ.
Chất lượng cơ sở hạ tầng đã không được tiếp tục đầu tư, nâng cấp tương xứng như trước dẫn đến mất dần lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác.
Nếu năm 2018, với 6 địa phương trong vùng, Đông Nam Bộ chiếm hơn 33,4% GDP cả nước thì đến năm 2023 giảm còn 30,4%. Các tỉnh có nền công nghiệp mạnh như Bình Dương, Đồng Nai dường như giậm chân tại chỗ về tỉ trọng đóng góp, trừ Tây Ninh và Bình Phước đang mở rộng dần nhưng cũng mới chỉ chiếm xấp xỉ trên dưới 1% GDP cả nước; TP HCM vẫn duy trì quy mô lớn nhất nước nhưng tỉ trọng giảm từ 17,5% còn 15,7%.
Ngân sách nhà nước dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng vô cùng eo hẹp do điều tiết chưa hợp lý. Năm 2024, tỉ lệ giữ lại ngân sách của TP HCM chỉ 21%, Bình Dương 33%, Đồng Nai 50% và Bà Rịa – Vũng Tàu 52%. Tính chung, tỉ lệ thụ hưởng ngân sách hiệu dụng của vùng Đông Nam Bộ chỉ 28% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Tôi chưa thấy nước nào có tỉ lệ phân bổ ngân sách dành cho một địa phương mà thấp đến như vậy trong khi lại luôn đặt vai trò đầu tàu tăng trưởng lên địa phương đó. Trong khi đó, các chính sách mới nhằm tháo gỡ điểm nghẽn và cởi trói cho các địa phương chuyển đổi mô hình và phát triển nhanh lại chậm được ban hành. Sở dĩ các địa phương thường phải đi xin cơ chế đặc thù vì đòi hỏi từ nhu cầu thực tiễn.
Đến lúc không thể vẫn mãi tư duy may một chiếc áo thể chế cùng size cho tất cả địa phương được.
Nhiều nút thắt
Các chính sách tăng cường phân cấp phân quyền được triển khai và Chính phủ tạo thuận lợi nhưng chưa giúp các địa phương bứt phá?
– Thực tế triển khai, đi vào từng vấn đề cụ thể, gặp rất nhiều trở ngại.
Như TP HCM, với vị thế là thành phố đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết thúc đẩy, mới, nhất là Nghị quyết 31-NQ/TW về phát triển TP HCM. Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 (Nghị quyết 98) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Thế nhưng, khi đi vào triển khai, gặp rất nhiều trở ngại khiến cho hầu hết thể chế mới vẫn tiếp tục nằm trong nghị quyết. Cơ chế đặc thù, thử nghiệm thể chế nhưng áp dụng lại lấy quy định hiện hành ra để soi, sao mà làm được?
Tinh thần hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng cũng rất hạn chế. Các địa phương được quản lý bởi một hệ thống chính trị, lãnh đạo cùng nền hành chính mang tính cục bộ địa phương, khá độc lập với nhau và rất thiếu động cơ hợp tác, hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Thậm chí có những dự án chồng chéo, làm suy yếu lợi thế cạnh tranh của địa phương bạn và cả vùng.
Bất cập ở đây chính là cơ chế phân cấp, phân quyền thiếu dứt khoát và mâu thuẫn. Một mặt phân cấp cho địa phương tự chủ nhưng mặt khác lại vẫn muốn duy trì sự quản lý tập trung thống nhất. Điều này dẫn đến sự giằng co về quyền lợi và trách nhiệm khiến cho cơ chế phân cấp trở nên nửa vời và có phần hình thức.
Một loạt dự án trọng điểm của vùng như Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; Vành đai 4 TP HCM; cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc TP HCM – Mộc Bài kết nối tới biên giới Campuchia… khi hoàn thành liệu có tạo bứt phá cho vùng?
– Các dự án trọng điểm cơ sở hạ tầng này, nếu triển khai tốt sẽ góp phần giải quyết một phần điểm nghẽn phát triển cho vùng, giúp khơi thông lợi thế để tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư và phát triển trong ngắn hạn. Nhưng nghịch lý của các địa phương hiện nay không phải là thiếu tiền, vì ngay cả có tiền vẫn không sử dụng được, dự án vẫn chậm triển khai, ngân sách vẫn chậm giải ngân.
Cơ sở hạ tầng yếu kém chưa phải là nút thắt duy nhất kìm hãm sự phát triển của các địa phương trong vùng, vì còn nhiều nút thắt khác liên quan nguồn nhân lực, phát triển đô thị, nâng cấp công nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thể chế cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp… Sự lạc hậu của cơ sở hạ tầng cũng như các nút thắt phát triển khác chỉ là biểu hiện của sự lạc hậu về thể chế và bất cập về tổ chức bộ máy, năng lực của đội ngũ cán bộ không theo kịp với đòi hỏi phát triển nhanh của thực tiễn.
Hiện Trung ương đang yêu cầu sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Thiết nghĩ, đây là thời điểm thích hợp để các địa phương trong vùng rà soát, sắp xếp lại bộ máy và đội ngũ của mình theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiệu năng hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Bởi vẫn còn tâm lý ngại thay đổi, sợ rủi ro, chưa thấy được trách nhiệm của ngành, của địa phương; cần nhìn nhận lại chất lượng của bộ máy, năng lực của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Nếu được đầu tư đúng mức, phát huy hết các tiềm năng, liệu vùng Đông Nam Bộ có tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho cả nước?
– Đương nhiên, nếu được Trung ương quan tâm đầu tư đúng mức, tăng cường phân cấp phân quyền thực chất, tạo điều kiện phát triển bằng cách ủng hộ, thúc đẩy thử nghiệm các thể chế mới tiến bộ, tôi tin các địa phương sẽ trở nên năng động, sáng tạo và quyết liệt hơn so với các thể chế hiện nay.
Đông Nam Bộ sẽ lấy lại vai trò tiên phong và dẫn dắt của mình và sẽ có đóng góp lớn hơn nữa cho sự phát triển chung của cả nước. Vừa qua, Thủ tướng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước lên đến 8% và yêu cầu vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng hai con số trong năm 2025.
Mục tiêu này cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ, cũng là sự động viên, khuyến khích nỗ lực phấn đấu của các địa phương vùng Đông Nam Bộ. Dù việc đạt được mục tiêu này là rất thách thức, song Thủ tướng hẳn có lý khi hơn 30% tăng trưởng đóng góp vào mục tiêu chung 8% là do 6 địa phương vùng Đông Nam Bộ quyết định.
Mạnh dạn trao quyền hơn nữa cho địa phương
Nếu góp ý về hoàn thiện thể chế phát triển toàn vùng Đông Nam Bộ và phát huy tính tự lực, tự cường, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng, ông có thể chia sẻ những gì?
Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết: Không cần phải hiến kế mới, vì Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ đã nêu rất rõ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển của vùng này. Trong đó, các quan điểm về thể chế cho phân cấp, phân quyền cũng đã được nêu rất rõ. Tương tự, Nghị quyết 31-NQ/TW hay Nghị quyết 98 cũng vậy. Chính phủ cũng đã cụ thể hóa bằng một số nghị quyết. Đã có nghị quyết rồi thì tất cả các cơ quan, các bộ, ngành và địa phương liên quan phải thực hiện, xem kết quả thực hiện là một tiêu chí quan trọng để đánh giá và chấm điểm thành quả lãnh đạo.
Chính phủ nên mạnh dạn trao quyền hơn nữa cho địa phương “tự may chiếc áo” cho mình. Chính phủ, các bộ ngành chỉ cần ban hành những khuôn khổ, nguyên tắc chỉ dẫn, tạo điều kiện cho địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách mới.
Nói khác đi, các bộ, ngành cần thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi hoặc chuyển giao quyền hạn cho địa phương trong thực hiện nhiệm vụ và để chính quyền địa phương tự chịu trách nhiệm giải trình về kết quả. Các địa phương, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của mình, cần tiếp tục chủ động đề xuất với Trung ương về các cơ chế, chính sách phù hợp và chịu trách nhiệm giải trình kết quả thực hiện với Trung ương.
Đối với các thể chế mới chưa có quy định, địa phương cần bám sát quan điểm, chủ trương của nghị quyết và được phép tự ban hành quy định và xây dựng quy trình thực hiện, đồng thời chỉ có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện cho Bộ Chính trị và Chính phủ mà không cần phải xin hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành.
Nguồn: https://nld.com.vn/thuc-day-vung-dong-nam-bo-tang-truong-2-con-so-196241208203310709.htm