Với chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong khoa học-công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững”, hội nghị lần này thu hút sự tham gia của 60 đại biểu quốc tế từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, và hơn 300 hội viên nữ trí thức, nhà khoa học, báo cáo viên đến từ 8 Hội thành viên, 35 Chi hội trực thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, GS, TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết đây là lần thứ 2, Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại Việt Nam. Hội nghị lần này không chỉ là một diễn đàn để chia sẻ kiến thức, mà còn là cầu nối để chúng ta cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững hơn, nơi mà phụ nữ được trao quyền và đóng góp hết mình vào sự phát triển của cộng đồng.
Hai phiên họp chuyên đề về sức khỏe, môi trường, và về giới, kỹ thuật và toán học sẽ mang đến những góc nhìn sâu sắc về những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, sẽ đưa ra những giải pháp khả thi. Mặt khác, Hội nghị cũng sẽ đưa ra được những kiến nghị đích đáng đóng góp vào việc mở rộng mạng lưới hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nữ trong khu vực.
GS, TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Theo bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hội nghị sẽ tập trung thảo luận về hai vấn đề quan trọng, đang được đặc biệt quan tâm, đó là “Giới và STEM” và “Sức khỏe và môi trường”. Đây là những vấn đề không chỉ tác động trực tiếp đến sự phát triển của mỗi quốc gia mà còn ảnh hưởng đến tương lai của khu vực và toàn cầu.
Bà Nga nhấn mạnh, tại Việt Nam, dù còn phải đối mặt với định kiến giới trong hành trình theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học, phụ nữ vẫn khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định phụ nữ luôn khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. |
Phát biểu tại Hội nghị, TS Sarah Peers, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế (INWES) cho rằng sự hợp tác và đoàn kết sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi rào cản, định kiến tạo nên sức mạnh chung.
TS Juana T. Tapel, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hy vọng rằng Hội nghị hôm nay sẽ giúp nâng cao kiến thức về vai trò của phụ nữ trong hội nhập, quốc tế, vì một tương lai phát triển bền vững.
TS Sarah Peers, Chủ tịch INWES, phát biểu tại Hội nghị. |
Khẳng định việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức luôn là vấn đề có tầm chiến lược của phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Thanh cho biết đội ngũ nhà khoa học và kỹ sư nữ đang mạnh mẽ tiến bước và ngày càng khẳng định tài năng, trí tuệ và tiềm năng sáng tạo to lớn trên các lĩnh vực khoa học-kỹ thuật mới, công nghệ cao…
Phó Chủ tịch Quốc hội biểu dương những nỗ lực của Lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Nữ trí thức Việt Nam trong công tác kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác khoa học, công nghệ cho nữ trí thức Việt Nam với các quốc gia trong khu vực.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh tin tưởng rằng các đại biểu sẽ cùng nhau tìm ra những giải pháp hiệu quả và đạt được những mục tiêu tốt đẹp mà Hội nghị đã đề xung quanh chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững”.
TS Juana T. Tapel phát biểu. |
Sau phiên khai mạc, Hội nghị sẽ diễn ra hai hội thảo chuyên đề: “Giới và STEM” và “Sức khỏe và Môi trường”. Hội nghị thường niên APNN 2024 sẽ tập trung vào các nội dung như: báo cáo hoạt động của các quốc gia, bàn thảo chiến lược hoạt động của APNN cho các năm tiếp theo, thông qua Chương trình hành động và họp Ban lãnh đạo Mạng lưới quốc tế INWES và Mạng lưới khu vực APNN.
Tại Hội nghị, các quốc gia tham báo cáo, gồm: Australia, Bangladesh,Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Philippines, Sri Lanka, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam.
Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ châu Á-Thái Bình Dương lần này không chỉ là cơ hội để Việt Nam lắng nghe và học hỏi từ các nước trong khu vực mà còn là dịp để các nhà khoa học nữ, từ mọi quốc gia có thể kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác nhằm tạo ra những sáng kiến đột phá thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ.
Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế INWES ra đời từ năm 2002 dưới sự bảo trợ của UNESCO. Là một tổ chức không lợi nhuận với mục đích tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong các cơ quan lập chính sách về STEM, thúc đẩy trao đổi thông tin, kết nối, quảng bá và thực hiện các dự án khu vực và quốc tế, mở rộng cơ hội giáo dục và hoạt động STEM.
Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương (INWES APNN) hiện nay gồm 15 nước/vùng lãnh thổ gồm: Úc, Bangladesh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Nepal,Philippines, Sri Lanka, Indonesia, Singapore, Myanmar, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam.
Nguồn: https://nhandan.vn/thuc-day-vai-tro-cua-phu-nu-trong-khoa-hoc-cong-nghe-va-hoi-nhap-quoc-te-post834822.html