(PLVN) – Chiều 6/12, Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”.
Toàn cảnh diễn đàn. |
(PLVN) – Chiều 6/12, Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ngành rau quả Việt Nam đang vững vàng khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức cao nhất từ trước đến nay, với các sản phẩm chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối, mít và xoài.
Dự báo xuất khẩu rau quả Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt đến 7,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu các loại quả có thể vượt 6,5 tỷ USD.
Các tỉnh phía Bắc, với thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, có tiềm năng phát triển mạnh các loại cây ăn quả như vải, nhãn, cam, bưởi, mận, đào… Hiện nay, Việt Nam đã mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Australia.
Ông Đinh Công Sứ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình. |
Tại diễn đàn, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, cho biết với điều kiện khí hậu, đất đai và thổ nhưỡng đa dạng, Hòa Bình có tiềm năng phát triển nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây ăn quả. Hiện nay, tỉnh đã có 16.000ha cây ăn quả, chủ yếu gồm cam, bưởi, chanh, nhãn, chuối…
Xác định cây ăn quả là ngành chủ lực trong phát triển kinh tế, Hòa Bình đã triển khai nhiều chính sách và chủ trương như cải tạo vườn tạp, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, thực hiện đề án tái canh cây ăn quả có múi, và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Tất cả những nỗ lực này đều tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng chuỗi giá trị nông sản, tránh phát triển nóng.
Theo thống kê, toàn tỉnh đã có 88 mã số vùng trồng, trong đó 53 mã số phục vụ xuất khẩu. Hơn 2.400ha cây ăn quả đã được cấp chứng nhận an toàn như GlobalGAP, VietGAP và hữu cơ. Các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như chuối, cam, bưởi, hiện đang tiêu thụ ổn định tại các siêu thị và thành phố lớn, đồng thời xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường như Hoa Kỳ, Canada và EU.
Tuy nhiên, theo ông Sứ, phát triển cây ăn quả của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng chưa được rõ nét. Hầu hết sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ tươi do công tác bảo quản và chế biến còn nhiều khó khăn, dẫn đến giá trị sản xuất chưa đạt như kỳ vọng.
Tại diễn đàn, các cơ quan, hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp và hợp tác xã đã đề xuất các giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả ở các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, các bên cũng cập nhật tiến độ mở cửa thị trường và yêu cầu kỹ thuật của một số thị trường đối với sản phẩm cây ăn quả, giới thiệu các quy trình quản lý sinh vật gây hại tổng hợp và các giải pháp sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm rau quả.
Nguồn: https://baophapluat.vn/thuc-day-tieu-thu-san-pham-cay-an-qua-cac-tinh-phia-bac-post534040.html