Chung sức xây dựng NTM
Quảng Lâm là xã khó khăn của huyện Bảo Lâm với địa hình chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn nên đất sản xuất nông nghiệp rất ít. Toàn xã có 1.175 hộ, gồm 6 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chỉ cùng sinh sống. Do trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế chậm phát triển, dân cư sống phân tán, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, quá trình xây dựng NTM ở Quảng Lâm vô vàn khó khăn.
Thực hiện Quyết định số 1177/QĐ-UBND ngày 12/9/2022 của UBND tỉnh về việc phân công cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mới giai đoạn 2021 – 2025, Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng nhận “đỡ đầu” xã Quảng Lâm trong xây dựng NTM.
Ngày 14/5/2024, đại diện Cục Thống kê tỉnh đã đến xóm Nà Đon bàn giao đoạn đường và sân Nhà văn hóa cho bà con trong xóm; đồng thời trao 20 triệu đồng hỗ trợ quỹ xây dựng NTM xã Quảng Lâm. Số kinh phí hỗ trợ tuy không lớn, nhưng thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng chung tay giúp đỡ xã Quảng Lâm trên hành trình thực hiện bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025.
Cũng như Cục Thống kê, các Sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã và đang “trợ sức” cho các địa bàn khó khăn của tỉnh xây dựng NTM. Chỉ riêng các cấp Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng, theo Báo cáo số 1494/BC-SNN ngày 14/6/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2024 đã huy động được gần 118 tỷ đồng để mua vật liệu làm đường bê tông nông thôn.
Trước đó, trong giai đoạn 2010 – 2019, theo Báo cáo số 4217/BC-BCĐ ngày 29/11/2019 của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh Cao Bằng, cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh là 116,6 tỷ đồng; cộng đồng dân cư đóng góp 256,5 tỷ đồng. Từ năm 2015 – 2018, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phát động phát động gây Quỹ xây dựng NTM được hơn 27,1 tỷ đồng…
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng – ông Nguyễn Thái Hà, những năm qua, phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã được cụ thể hóa và triển khai rộng. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào được triển khai kịp thời, thường xuyên với nhiều biện pháp và nội dung phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Phong trào đã đi vào đời sống Nhân dân, được các cấp, các ngành hưởng ứng và người dân nhiệt tình tham gia, tạo được sự ủng hộ của toàn xã hội trong việc tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng NTM.
“Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực trong Nhân dân còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Kết quả thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa cao, do đó ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua”, ông Hà chia sẻ.
Lồng ghép hiệu quả nguồn lực
Chia sẻ của Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng cho thấy rõ nhưng khó khăn của tỉnh trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 32 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 24,71% tổng số hộ. Mặc dù số hộ nghèo giảm so với năm 2022 (giảm 4,23%), nhưng hết năm 2023, số hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh lại tăng thêm 0,46% so với năm 2022.
Thực tế này cho thấy, công cuộc xây dựng NTM của tỉnh Cao Bằng chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Từ các chương trình, dự án, tỉnh Cao Bằng đã lồng ghép nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.
Trong Báo cáo số 4217/BC-BCĐ ngày 29/11/2019 của Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Cao Bằng thể hiện rõ: Giai đoạn 2010 – 2015, tổng vốn huy động thực hiện Chương trình là 7.295,2 tỷ đồng thì ngân sách nhà nước đã chiếm 98,33%. Trong đó, vốn trực tiếp của Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn này chỉ có 396,8 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ Chương trình 135, Chương trình 30a và các chương trình, dự án khác là 7.76,5 tỷ đồng.
Sang giai đoạn 2016 – 2020, tổng vốn huy động thực hiện Chương trình là 7.755 tỷ đồng, ngân sách nhà nước chiếm 96,71%. Trong đó, vốn trực tiếp của Chương trình MTQG xây dựng NTM là 1.908,2 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ Chương trình 135, Chương trình 30a và các chương trình, dự án khác là 5.592,2 tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Cao Bằng đồng thời triển khai 03 Chương trình MTQG, trong đó Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719) có nguồn vốn thực hiện lớn nhất. Đây là nguồn lực quan trọng để các địa phương vùng “lõi nghèo” của tỉnh giảm nghèo nhanh, thúc đẩy tiến độ xây dựng NTM.
Trong Báo cáo số 842/BC-BDT ngày 14/6/2024, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện toàn tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm nguồn vốn năm 2022, 2023 kéo dài sang thực hiện năm 2024) thuộc Chương trình MTQG 1719 được 288,15 tỷ đồng/877,155 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch vốn. Từ nguồn lực này, nhiều công trình hạ tầng cơ sở đã được đầu tư ở các địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh, các hộ DTTS nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế;… qua đó góp phần quan trọng để các địa phương hoàn thiện các tiêu chí NTM giai đoạn 2021 – 2025.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng – ông Nguyễn Thái Hà, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền trong tổ chức phong trào thi đua chung tay xây dựng NTM bằng nhiều phương pháp tích cực, phù hợp với tình hình, điều kiện của đơn vị, địa phương. Đặc biệt, tỉnh sẽ tăng cường huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng NTM, nhất là lồng ghép các nguồn lực của các Chương trình MTQG để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế gắn với giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng an ninh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, phát huy cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng NTM…
Nguồn: https://baodantoc.vn/thuc-day-tien-do-xay-dung-nong-thon-moi-tai-cao-bang-huy-dong-cac-nguon-luc-dau-tu-bai-cuoi-1719551034278.htm