Ngày 25-26/11, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức chuỗi chương trình nhằm thúc đẩy thương mại số cho doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo vào thị trường châu Âu.
Chia sẻ tại hội nghị ngày 26/11, ông Bùi Việt Trường – Phó trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Hội thảo “Thúc đẩy thương mại số cho các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo tại Việt Nam” nằm trong khuôn khổ hợp tác dự án Shetrades – UPS tại Việt Nam giữa Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), đơn vị liên kết của tổ chức Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), được triển khai thực hiện bởi Quỹ UPS phối hợp tổ chức.
Hội thảo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tiếp cận sâu hơn vào thương mại số, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nữ làm chủ.
Ông Bùi Việt Trường – Phó trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương. Ảnh: Đ.N |
Nhấn mạnh về mối quan hệ hợp tác hai bên, Phó trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong những năm qua, ITC SheTrades và Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã hợp tác với nhau với cam kết kiên định thúc đẩy thương mại toàn diện, tăng trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa, bình đẳng giới tại Việt Nam.
“Phù hợp với những nỗ lực này, cả hai bên đã hợp tác với các đối tác chủ chốt trong khu vực công và tư nhân để cung cấp hỗ trợ toàn diện cho các doanh nhân nữ” – ông Bùi Việt Trường cho hay.
Bà Kritee Sharrma – Quản lý Dự án SheTrades và UPS tại Việt Nam – trình bày nội dung Xây dựng nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh doanh: ITC SheTrades và Ngân hàng Phát triển châu Á tại hội nghị. Ảnh: Đ.N |
Cụ thể, Cục Xúc tiến thương mại cùng với ITC SheTrades và Quỹ UPS đã hợp tác triển khai “Chương trình SheTrades và UPS nhà xuất khẩu nữ giai đoạn 2.0” nhằm trang bị cho các nữ doanh nhân Việt Nam các kỹ năng, nguồn lực và hệ thống hỗ trợ để phát triển trong nền kinh tế số.
Chương trình là sự tiếp nối giai đoạn đầu tiên của SheTrades và UPS WEP nhằm mục đích cung cấp đào tạo, xây dựng kỹ năng và cơ hội phát triển cho các nữ doanh nhân Việt Nam, giúp họ hưởng lợi từ các cơ hội đầu tư và thương mại toàn cầu.
“Những nỗ lực này nhằm trao quyền cho các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo bằng cách cải thiện năng lực kỹ thuật số và tài chính của họ. Qua đó, mở rộng khả năng cạnh tranh của họ ở cả khu vực và toàn cầu” – ông Trường cho hay.
Chỉ ra sự cấp thiết của quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, công cụ và công nghệ kỹ thuật số đã trở thành những yếu tố không thể thiếu, quyết định sự thành công và phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.
Theo đó, ông Trường nhấn mạnh: “Trong một kỷ nguyên số hóa, nơi mà việc áp dụng công nghệ vào quản lý và vận hành không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí mà còn mở ra những cơ hội mới, giúp doanh nghiệp tăng trưởng đột phá và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường”.
Thông qua chuỗi sự kiện, các doanh nghiệp sẽ hiểu rõ cách thương mại điện tử và chuyển đổi số có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng kinh doanh vào thị trường châu Âu. Ảnh: Đ.N |
Với nội dung đa dạng, cập nhật, thông qua chuỗi sự kiện, các doanh nghiệp sẽ hiểu rõ cách thương mại điện tử và chuyển đổi số có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng kinh doanh vào thị trường châu Âu. Đồng thời, có được các kỹ năng để tích hợp các công cụ số vào doanh nghiệp và mở rộng phạm vi thị trường, định vị mình là những đối thủ cạnh tranh trên cả thị trường trong nước và toàn cầu.
Bên cạnh đó, thúc đẩy mối liên hệ giữa các nữ doanh nhân và các bên liên quan chính như Cục Xúc tiến thương mại, RVO Hà Lan, Quỹ UPS, Alibaba, Ngân hàng Phát triển châu Á; nâng cao nhận thức về các dịch vụ tài chính dành cho doanh nhân nữ.
Đại diện hai bên ra mắt Sổ tay xuất khẩu tại hội nghị. Ảnh: Đ.N |
Ngoài ra, trong 2 ngày, qua chuỗi nội dung của sự kiện, ITC SheTrades và Cục Xúc tiến thương mại, hợp tác với RVO, Quỹ UPS và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cung cấp tổng quan về những thách thức và cơ hội cho các nữ doanh nhân trong thương mại số và có các buổi đào tạo về các khái niệm chính của thương mại điện tử, tập trung vào việc mở rộng kinh doanh sang các thị trường châu Âu (EU).
Ngoài ra, sự kiện cũng nêu bật những lợi ích của Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), giúp giảm thuế quan và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường EU, tăng cường tiềm năng xuất khẩu cho các doanh nghiệp do phụ nữ Việt Nam lãnh đạo.
Hội thảo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tiếp cận sâu hơn vào thương mại số, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nữ làm chủ. Ảnh: Đ.N |
Theo Cục Xúc tiến thương mại, sáng kiến SheTrades của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) tập hợp các bên liên quan chính bao gồm Chính phủ, khu vực tư nhân, đơn vị tài chính, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các bên khác để mở rộng cơ hội kinh tế cho doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.
Cơ quan Doanh nghiệp Hà Lan (RVO) và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam từ lâu đã là đối tác hỗ trợ phát triển kinh tế tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. ITC SheTrades và RVO, hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại, dự kiến triển khai một chương trình mới nhằm hỗ trợ doanh nhân nữ Việt Nam tiếp cận chuyển đổi số, đặc biệt là thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến sang thị trường châu Âu.
Hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ITC SheTrades cũng đang hỗ trợ biên dịch các mô-đun đào tạo sang tiếng Việt và thí điểm đào tạo đầu tư theo góc nhìn Giới cho các tổ chức tài chính châu Á. Những nỗ lực này nhằm trao quyền cho các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo bằng cách cải thiện năng lực kỹ thuật số và tài chính của doanh nghiệp, qua đó mở rộng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp ở cả khu vực và toàn cầu.
Nguồn: https://congthuong.vn/thuc-day-thuong-mai-so-cho-cac-doanh-nghiep-do-phu-nu-lanh-dao-tai-viet-nam-361028.html