(ĐCSVN) – Thực hiện kinh tế tuần hoàn (KTTH) là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao, hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện các cam kết về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trung hòa các bon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 đã đưa ra quy định về kinh tế tuần hoàn tại Điều 142. Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ thực hiện KTTH, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH được xây dựng và đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để có thể đưa các mục tiêu thực hiện KTTH vào cuộc sống, đầu tư cho đào tạo và nâng cao năng lực công nghệ thực hiện KTTH của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là cần thiết, từ đó giúp giảm thiểu các rào cản đối với việc áp dụng thực hiện kinh tế tuần hoàn trong nhóm doanh nghiệp này.
Ngoài ra, một trong những đặc điểm cơ bản của mô hình KTTH là kết nối giữa các doanh nghiệp hướng tới “chất thải của doanh nghiệp này có thể trở thành tài nguyên đầu vào cho doanh nghiệp khác”. Trong nền kinh tế tuyến tính, chất thải thường bị thải bỏ. Vì vậy, khi chuyển dịch sang mô hình KTTH, việc hỗ trợ kết nối cho các DNNVV (chiếm 96% tổng số doanh nghiệp Việt Nam) là nội dung cần thiết để có thể phát triển hệ sinh thái KTTH.
Dựa trên kết quả khảo sát 69 DNNVV về động lực và rào cản trong quá trình chuyển đổi sang mô hình KTTH, nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân đã thảo luận sâu hơn về các kiến nghị nhằm thúc đẩy thực hiện KTTH trong các DNNVV ở Việt Nam.
Mô hình hóa kinh tế tuần hoàn (Ảnh thiết kế đồ họa) |
Nâng cao nhận thức và kiến thức về các mô hình KTTH và khả năng ứng dụng cho các DNNVV của Việt Nam
Kết quả khảo sát 69 DNNVV tại Việt Nam, được thực hiện tháng 6/2022 bởi Nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho thấy nhu cầu số một của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là “Nhu cầu hiểu rõ hơn về kinh tế tuần hoàn để có thể đưa ra quyết định thực hiện kinh tế tuần hoàn”. Ngoài ra, nhận thức và hiểu biết tốt hơn về KTTH cũng sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua rào cản về “văn hóa do dự” của các doanh nghiệp, đây là rào cản quan trọng thứ hai. Do đó, cần nâng cao nhận thức và kiến thức của nhóm DNNVV thông qua:
Một là, tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, tập huấn phổ biến kiến thức, pháp luật về kinh tế tuần hoàn cho các DNNVV của Việt Nam:
Tổ chức truyền thông và tập huấn về KTTH đóng vai trò quan trọng. Đồng thời, việc xây dựng tài liệu hướng dẫn tư duy và thực hành về kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết để hỗ trợ thúc đẩy thực hiện trong các DNNVV ở Việt Nam.
Doanh nghiệp cần hiểu rõ về kinh tế tuần hoàn và lợi ích của việc áp dụng các mô hình kinh doanh tuần hoàn. Các chương trình giáo dục, hội thảo và truyền thông có thể giúp nâng cao nhận thức và kiến thức cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể hợp tác với các tổ chức, cơ quan chính phủ và các đối tác khác để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi về các mô hình kinh tế tuần hoàn. Tham gia vào các mạng lưới và cộng đồng liên quan đến KTTH để tạo cơ hội hợp tác và phát triển.
Hai là, lồng ghép các nội dung giáo dục về kinh tế tuần hoàn vào chương trình đào tạo về kinh tế và kinh doanh nhằm xây dựng đội ngũ quản lý doanh nghiệp tương lai có nhiều hiểu biết về KTTH.
Thực hiện KTTH là một chiến lược mang tính dài hạn đòi hỏi sự tham gia của nhiều thế hệ doanh nhân quản lý doanh nghiệp. Vì vậy, phát triển nội dung giảng dạy về KTTH trong các chương trình đào tạo về kinh tế và kinh doanh sẽ là giải pháp đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn đội ngũ doanh nhân tương lai, có đủ năng lực thực hiện KTTH.
Hỗ trợ công nghệ và đổi mới trong ứng dụng các mô hình KTTH và khả năng ứng dụng cho các DNNVV của Việt Nam
Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt trong quá trình thực hiện KTTH chính là rào cản công nghệ, biểu thị việc thiếu thông tin theo dõi và đánh giá tính tuần hoàn của các dự án quy mô lớn thành công, từ đó thiếu thông tin để giới thiệu các mô hình thực hành KTTH tốt nhất. Để tháo gỡ rào cản này, nhóm nghiên cứu gợi ý những chính sách sau:
Thứ nhất, xây dựng cơ chế nhằm khuyến khích đẩy mạnh hoạt động R&D và đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp của Việt Nam:
Nhà nước cần phải rà soát lại hoạt động R&D của các doanh nghiệp, và từ đó có các cơ chế “mồi” nhằm khuyến khích đẩy mạnh hoạt động R&D tại doanh nghiệp. Cơ chế khuyến khích cần đưa ra kế hoạch và các tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Các doanh nghiệp được lựa chọn cần phải công khai để doanh nghiệp có trách nhiệm với những khoản vốn được đầu tư. Việc đầu tư cho doanh nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp không nên phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp.
Thứ hai, xây dựng và phát triển các chương trình chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp lớn:
Nhà nước nên khuyến khích thành lập, phát triển những tổ chức trung gian hoặc các Chương trình trọng điểm về tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ bằng những hình thức ưu đãi thuế hay tín dụng. Đồng thời, Nhà nước xây dựng các cơ chế khuyến khích thành lập các mô hình hợp tác công tư (Public-Private Partnership) để cùng nhau tài trợ và thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ phục vụ các mục tiêu kinh doanh tuần hoàn; từ đó, cung cấp cho các DNNVV khả năng tiếp cận các nguồn lực, chuyên môn và thị trường mà họ có thể không tự mình tiếp cận được.
Thứ ba, khuyến khích và hỗ trợ số hóa các DNNVV nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời giảm nhu cầu khai thác và sử dụng các dòng vật chất:
Một trong những tác động quan trọng nhất của nền KTTH đối với ngành công nghiệp là phi vật chất hóa công nghiệp (tức là các sản phẩm công nghiệp có thể được bán dưới dạng dịch vụ), ví dụ, thiết kế sản phẩm không có rác thải theo yêu cầu mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, buộc thu hồi rác thải sau thời hạn sử dụng dưới dạng dịch vụ thuê sử dụng các sản phẩm công nghiệp. Các doanh nghiệp công nghiệp có thể tạo ra các nguồn thu nhập mới thông qua các hoạt động mới bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, thu hồi và tái sử dụng các dòng chất thải trong các quy trình công nghiệp của chính họ.
Chuyển đổi kỹ thuật số là công cụ giúp tăng năng suất các nhân tố tổng hợp, nâng cao giá trị sản lượng đầu ra nhanh hơn tốc độ tăng các nhân tố sản xuất đầu vào, nâng cao chất lượng tăng trưởng, mở khóa những lợi ích của tăng trưởng toàn diện và bền vững cũng như nâng cao phúc lợi xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu đã nhận thức được yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu, bắt buộc phải bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, khôi phục hệ sinh thái, số hóa có thể góp phần tách biệt quá trình tăng trưởng kinh tế khỏi việc sử dụng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và các tác động tiêu cực tới môi trường. Tác động của số hóa đối với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và nâng cao năng suất sử dụng tài nguyên thiên nhiên thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc học hỏi và mở rộng các mô hình tuần hoàn trong nền kinh tế.
Trong quá trình thực hiện mô hình KTTH, doanh nghiệp là một trong những chủ thể được coi là động lực và quan trọng bậc nhất trong các hệ sinh thái kinh tế này (Ảnh thiết kế đồ họa) |
Xây dựng cơ chế và chính sách hỗ trợ các DNNVV trong hợp tác và kết nối nhằm phát triển các mô hình KTTH
Trong quá trình thực hiện mô hình KTTH, doanh nghiệp là một trong những chủ thể được coi là động lực và quan trọng bậc nhất trong các hệ sinh thái kinh tế này. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc thực hiện KTTH đòi hỏi sự liên kết mang tính dài hạn giữa các doanh nghiệp liên quan hướng tới phát triển hệ sinh thái thực hiện KTTH. Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy nhu cầu thứ hai (sau nhu cầu về nâng cao nhận thức, hiểu biết về KTTH) được nhiều lựa chọn nhằm nâng cao năng lực thực hiện KTTH đó là “Tìm kiếm các đối tác phù hợp để cùng phối hợp phát triển sản phẩm mang tính tuần hoàn”. Do đó, cần phải:
Xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình KTTH.
Cơ quan quản lý nhà nước nên xây dựng và phát triển các kênh kết nối thông tin và chia sẻ dữ liệu về thực hiện KTTH nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có thể kết nối và phát triển sản phẩm và hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn. Các kênh kết nối có thể là trang web chia sẻ thông tin kết nối, là hội chợ định kỳ được tổ chức thường xuyên trong năm.
Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp tuần hoàn nhằm phát triển các mạng lưới cộng sinh công nghiệp.
Sự kết nối trong hoạt động sản xuất giữa các doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn khi rút ngắn được khoảng cách địa lý. Vì vậy, sự phát triển các khu công nghiệp giúp tăng cường sự kết nối hướng tới hệ sinh thái tuần hoàn là một giải pháp kết nối quan trọng. Đối với hệ sinh thái khu công nghiệp tuần hoàn như tại Trung Quốc, các thành phần bao gồm chính sách, quản trị, kỹ thuật và công nghệ, phát triển kinh doanh, các bên tham gia chính và các tổ chức hỗ trợ để kết hợp các dịch vụ hệ sinh thái vào kinh tế tuần hoàn và tập trung vào các hệ sinh thái công nghiệp, cụ thể là các khu công nghiệp sinh thái. Khung kết hợp các dịch vụ hệ sinh thái và kết nối mang tính tuần hoàn vào EIP của Trung Quốc nhấn mạnh việc sửa đổi và củng cố các chính sách của chính phủ về các dịch vụ hệ sinh thái, nhấn mạnh quản trị vào các giá trị sinh thái, phát triển kinh doanh của các công ty và nghiên cứu và phát triển các công nghệ và kỹ thuật có liên quan.
Thiết kế lộ trình xây dựng và áp dụng các quy định pháp lý về yêu cầu bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái chế dựa trên nền tảng hợp tác liên ngành, nhằm cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng các hoạt động tuần hoàn trên toàn bộ chuỗi giá trị và ngành.
Bên cạnh cơ chế kết nối mang tính tự nguyện giữa các doanh nghiệp, các cơ chế kết nối mang tính bắt buộc cũng cần được nghiên cứu và xây dựng lộ trình áp dụng phù hợp. Một ví dụ về sự chuyển đổi từ cơ chế tự nguyện sang cơ chế bắt buộc là Trách nhiệm mở rộng của người sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) với việc thu hồi và tái chế sản phẩm thải bỏ đã được áp dụng bắt buộc theo Luật Bảo vệ môi trường 2020. Sản phẩm thải bỏ được thu hồi và tái chế sẽ giúp thúc đẩy phát triển nguồn cung ứng nguyên liệu tái chế. Tuy nhiên, các nguyên liệu tái chế thường không dễ dàng được thị trường chấp nhận. Vì vậy, sự mở rộng nguồn cung nguyên liệu tái chế cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp để tránh lãng phí nguồn lực thu gom và tái chế chất thải. Một trong các cơ chế hỗ trợ đó là yêu cầu bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái chế, từ đó tạo ra cơ chế kết nối giữa nguồn nguyên liệu tái chế và thị trường. Thị trường là tổng thể của các chuỗi giá trị và các ngành kinh tế khác nhau; vì vậy, để dòng nguyên liệu tái chế, tuần hoàn có thể lưu thông trên thị trường, cần có cơ chế phối hợp liên ngành nhằm cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng các hoạt động tuần hoàn trên toàn bộ chuỗi giá trị và ngành./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/thuc-day-thuc-hien-kinh-te-tuan-hoan-trong-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-o-viet-nam-686255.html