Tiêu dùng nội địa là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế tăng trưởng cán đích trong năm 2023. Do đó, nhiều giải pháp đã được đề ra để thị trường này tiếp tục mang đến cơ hội tăng trưởng trong năm mới.
Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2023 tăng 9,6% Kỳ vọng thị trường khởi sắc dịp Tết Nguyên đán |
Tiêu dùng nội địa được kỳ vọng sẽ là động lực đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 |
Khi “mùa tiêu dùng” Tết Nguyên đán đang đến gần, các doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng vào cuộc. Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 12/2023, nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ đã tung ra các sản phẩm, hàng hóa, giỏ quà Tết hàng Việt với nhiều mẫu mã bắt mắt, mức giá đa dạng, khởi động mùa mua sắm Tết sớm hơn.
Đại diện MM Mega Market (Việt Nam) thì cho biết, doanh nghiệp đã tăng 20-30% tổng lượng dự trữ hàng hóa, đồng thời làm việc với nhà cung cấp để cân đối nguồn hàng, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả bình ổn nhất; đồng thời triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, áp dụng mức giảm từ 10-30% kéo dài xuyên suốt cuối năm đến Tết nhằm kích cầu mua sắm, góp phần phục hồi thị trường sau những biến động kinh tế năm 2023.
Trong “mùa mua sắm” này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Việt, qua đó chú trọng trong công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, thiết kế các mẫu mã, bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; đồng thời có phương án để hàng hóa đến được với người sử dụng một cách thuận tiện nhất, giá ưu đãi nhất, chất lượng tốt nhất.
Trên thị trường, tâm lý mua sắm, tiêu dùng hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực khi sức mua của người tiêu dùng đối với sản phẩm có nguồn gốc nội địa ngày càng tăng cao. Chị Cao Thị Miên (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cho biết, bản thân chị và gia đình đang tin dùng hàng hóa từ rất nhiều thương hiệu có nguồn gốc Việt Nam vì chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn, mẫu mã đa dạng đã đáp ứng, giá cả phù hợp với túi tiền. Đặc biệt, trong dịp Tết này, những món quà bằng hàng Việt, đặc sản các vùng miền luôn được người thân và bạn bè chị yêu thích hơn.
Thực tế, tiềm năng để tăng tiêu dùng hàng Việt còn rất rộng mở. Theo thống kê mới đây của Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, có tới hơn 90% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt… Bên cạnh đó, hàng Việt đang chiếm lĩnh hầu như tất cả các kênh phân phối, với tỷ lệ từ 80% đến trên 90% tại các kênh phân phối hiện đại và từ 60% tại các kênh bán lẻ truyền thống.
Trong khi đó, tiêu dùng đang là một động lực thúc đẩy tăng trưởng chủ yếu. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, tiêu dùng cuối cùng đóng góp 41,04% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế (tăng 5,05%), trong khi tích lũy tài sản chỉ đóng góp 26,64% và chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 32,32%.
Với mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay, trong khi chi tiêu hộ gia đình được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh nhờ hơn 2 triệu tỷ đồng sẽ được bơm vào nền kinh tế, theo Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia cho rằng thị trường trong nước cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Bàn về giải pháp thúc đẩy tiêu dùng để phục hồi và tăng tưởng kinh tế, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, kích cầu tiêu dùng nội địa phải gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hướng vào các doanh nghiệp nội địa; cần thúc đẩy mạnh mẽ việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; đồng thời, cần phát triển hệ thống phân phối và tiêu dùng nội địa. Bản thân nhà phân phối của Việt Nam cũng phải chủ động giữ sân nhà, vì thông qua hệ thống phân phối đó, hàng Việt mới có thể đi vào thị trường, thậm chí mở rộng ra các thị trường lân cận.
Để phát triển thương mại nội địa, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại tại các vùng khó khăn; phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả xu hướng số hóa nền kinh tế. Đặc biệt, Bộ sẽ đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng…
Tại địa phương, các cơ quan có liên quan cũng cho biết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại trong nước, tìm kiếm hệ thống phân phối, mở rộng thị phần thông qua các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ triển lãm trong cả nước; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, đẩy mạnh các loại hình phân phối hiện đại trên hạ tầng thương mại điện tử.