Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 6,5%, các quý còn lại phải tăng trưởng bình quân 7,5 – 8%.
Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở Hà Nội. (Nguồn: Kinh tế & Đô thị) |
Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) đánh giá, đây là kịch bản rất thách thức. Các địa phương đang tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Giải pháp được các địa phương đưa ra là lấy lại đà tăng trưởng, trong đó tập trung vào tháo gỡ về giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ thị trường bất động sản và tập trung hỗ trợ các mặt hàng bị suy giảm hay đi xuống…
Các đầu tàu vào cuộc tích cực.
Năm 2022, tăng trưởng GRDP
Hà Nội ước đạt 8,89%; quý I/2023, tăng 5,8%. Hà Nội chủ động nắm bắt tình hình, không để bị động, bất ngờ, nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế TP; phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng của nền kinh tế TP (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng). Cùng với đó, Hà Nội thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, yếu kém của các thị trường; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về miễn, giảm, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định.
Đồng thời, Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, tăng cường hợp tác công tư, triển khai mô hình mới (lãnh đạo công, quản trị tư đối với một số mô hình và mô hình đầu tư công, quản lý tư, mô hình đầu tư tư, sử dụng công…).
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, những tháng tiếp theo là rất quan trọng, đòi hỏi phải tập trung cao độ để phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2023, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.
Vì vậy, UBND TP. Hà Nội đề ra 6 giải pháp lớn; trong đó, tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP. Đồng thời, tập trung rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn và thực hiện đồng bộ hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp (DN) thông qua các khoản cho vay với lãi suất ưu đãi, các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực…
Song song với đó khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi số, khuyến công, khuyến nông, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống và nhà ở xã hội…
Với TP. Hồ Chí Minh, đẩy mạnh cả đầu tư công và đầu tư tư nhân là giải pháp để TP bứt phá, hoàn thành mục tiêu 7,5% trong năm nay. Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, vừa qua, Thường vụ Thành ủy TP đã phân công đoàn công tác để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ các chủ đầu tư, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. TP cũng đang tập trung gỡ vốn cho DN, các dự án, hợp đồng để thúc đẩy đầu tư tư nhân, tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.
Về trụ cột tiêu dùng có sự giảm sút khá lớn, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường. Ngoài kích thích tiêu dùng, TP cũng tăng cường kết nối vùng để mở rộng thị trường. Về trụ cột xuất khẩu, TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại; có chương trình thúc đẩy xuất khẩu. Sắp tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai chương trình hỗ trợ DN tiếp cận thị trường mới, đổi mới công nghệ sản xuất.
Với Đà Nẵng, nhờ đà phục hồi tích cực của hoạt động du lịch và các lĩnh vực dịch vụ khác đi kèm, kinh tế TP. Đà Nẵng quý I/2023 vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá với mức tăng 7,84% so với cùng kỳ năm trước. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong quý II và tiếp theo, Đà Nẵng triển khai quyết liệt các giải pháp giữ vững tăng trưởng kinh tế, trong đó, xác định du lịch, dịch vụ là động lực phát triển kinh tế TP. Tập trung khôi phục, phát triển thị trường khách du lịch quốc tế; thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch đêm và tổ chức các sự kiện, lễ hội đặc sắc thu hút khách du lịch; xúc tiến mở và duy trì các đường bay quốc tế mới…
Với Hải Phòng, trong khi nhiều địa phương hụt hơi vì sản xuất công nghiệp, thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng, là động lực tăng trưởng kinh tế của TP cảng, với giá trị tăng thêm tăng 11,97%, đóng góp 5,84 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Chủ động trong tham mưu, điều hành
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ đã tham mưu Thủ tướng nhiều giải pháp để vực dậy động lực tăng trưởng, tìm kiếm thị trường, giữ vững phát triển của khối DN, ổn định lao động, kể cả trong chỉ đạo điều hành… nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong một số lĩnh vực lớn như, về tín dụng, bất động sản, trái phiếu DN hay tìm kiếm các thị trường mới…
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. (Nguồn: Kinh tế & Đô thị) |
“Cần tập trung thúc đẩy lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Tiếp đến là tháo gỡ các khó khăn của các dự án hiện nay nhằm sớm tạo ra động lực mới tăng trưởng của các địa phương, tạo điều kiện về tiếp cận vốn với chi phí thấp…” – Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung nói và khẳng định đây là những động lực quan trọng để tiếp tục phấn đấu nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong năm 2023, bám sát mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15.
Ngoài ra, phía Bộ KH&ĐT cũng đưa ra một số giải pháp mà các địa phương cần quan tâm và Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo thời gian tới. Tiếp tục nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, xử lý công việc của các địa phương; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh cũng như để cán bộ công chức dám nghĩ, dám làm và hơn nữa là tập trung đẩy mạnh đầu tư công.