Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Đắk Lắk có tiềm năng du lịch cộng đồng lớn với sự đa dạng, phong phú về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của 49 dân tộc từ các vùng miền trong cả nước (trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 35%); tài nguyên du lịch nhân văn của tỉnh có giá trị cao gắn liền với sự đa dạng bản sắc dân tộc với những giá trị độc đáo về âm nhạc, lễ hội, ẩm thực…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 buôn chính thức được công nhận là buôn du lịch cộng đồng, bao gồm: buôn Ako Dhong (phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột), buôn Kuốp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) và buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn).
Được biết, các buôn du lịch cộng đồng tại tỉnh Đắk Lắk đã và đang hoạt động thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giao lưu lễ hội văn hóa truyền thống, ẩm thực; cung ứng các dịch vụ du lịch; các cấp, ngành chức năng tích cực phổ biến thông tin giới thiệu, xây dựng các tour, tuyến về du lịch cộng đồng… Nhờ đó, loại hình du lịch này bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của khách du lịch.
Qua đó, có thể thấy, việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết việc làm, sinh kế cho một bộ phận người dân, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, so với tiềm năng, lợi thế của địa phương thì việc phát triển và hoạt động khai thác du lịch cộng đồng chưa được tương xứng.
Theo Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Sơn Hưng, việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng tuy đã được chính quyền địa phương các cấp quan tâm, nhưng vẫn còn mang tính tự phát, thiếu sự gắn kết các hoạt động sản xuất; cơ sở vật chất du lịch, các hoạt động, dịch vụ ăn, nghỉ phục vụ khách đang còn yếu, chưa chuyên nghiệp; những vấn đề về trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro. Bên cạnh đó, vấn đề đầu tư cho giữ gìn, bảo tồn văn hóa chưa đồng bộ như: xây dựng đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới không phù hợp với phát triển du lịch cộng đồng; đầu tư xây dựng nhà văn hóa nhưng việc phát huy hiệu quả sử dụng trong phát triển du lịch chưa cao.
Còn Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdăm chia sẻ, du lịch Đắk Lắk nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng mặc dù có nhiều thế mạnh, nhưng vẫn chưa trở thành một mũi nhọn kinh tế, văn hóa truyền thống; không được phát huy hết tiềm năng là do chưa có nhiều sự cải tiến trong hoạt động du lịch, không tạo được điểm nhấn riêng nên sản phẩm du lịch na ná nhau, không gian bó hẹp trong một vài địa chỉ quen thuộc tại Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn… Các địa phương mặc dù có tiềm năng lớn nhưng vẫn chờ đợi vào sự phân bổ, hỗ trợ kinh phí, sự kết nối của ngành du lịch cấp tỉnh, không chủ động xây dựng chiến lược, phát huy nội lực, thế mạnh của mình.
Cần thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng
Trước thực trạng đó, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu, nhấn mạnh, phát triển du lịch cộng đồng góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho địa phương, giúp chuyển đổi hình thức làm kinh tế, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho cộng đồng tham gia vào các chuỗi du lịch. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của bà con gắn với phát triển du lịch. Chính vì vậy, phải làm sao để cộng đồng hiểu rõ và tích cực tham gia vào làm du lịch một cách chủ động thì mới tạo được “sức sống” cho du lịch cộng đồng.
“Trước mắt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ kiến nghị tỉnh bổ sung thêm nội dung, hỗ trợ một phần trang thiết bị bên trong các ngôi nhà, homestay theo định hướng là bảo tồn văn hóa của buôn thông qua các hoạt động du lịch” – bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết thêm.
Theo Phó Giám đốc Công ty Vietravel chi nhánh Đắk Lắk Bà Lâm Thị Thanh Diệu, các buôn du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh vẫn cần điều chỉnh và đầu tư thêm về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, thể hiện được nét đặc sắc riêng biệt của cộng đồng dân tộc, tạo ra điểm nhấn khác biệt. Bởi đây là yếu tố thu hút và giữ chân du khách ở lại, trải nghiệm, khám phá và sử dụng các dịch vụ.
Chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế, Trưởng buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) Nguyễn Thị Ngọc Lan cho rằng, muốn phát triển du lịch cộng đồng cần sự chung tay, góp sức và huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các tổ chức như: Hội Cựu chiến binh trồng cây, trồng hoa, chăm sóc và tôn tạo cảnh quan các buôn, làng; Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên vận động, khuyến khích hội viên tham gia các câu lạc bộ văn nghệ, các đội cồng chiêng múa xoang phục vụ du khách; Hội Nông dân hướng dẫn hội viên tăng gia sản xuất giỏi, nghiên cứu các giống cây trồng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để ứng dụng cho khách tham quan, cùng trải nghiệm các hoạt động làm nông nghiệp, nương rẫy; huy động sức dân tự nguyện làm du lịch để tăng thu nhập của mình, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đặc biệt là lực lượng người dân tộc thiểu số tại các điểm du lịch là rất cần thiết; trong đó vai trò của Ban quản lý du lịch cộng đồng cần được phát huy tối đa để có thể tận dụng hết nội lực của địa phương, vừa liên kết với đơn vị lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để duy trì và từng bước mở rộng các tour du lịch./.
Nguồn: https://toquoc.vn/thuc-day-su-tham-gia-cua-cong-dong-trong-phat-trien-du-lich-20241007110717052.htm