Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp

Việt NamViệt Nam14/05/2024

CTTĐT - Chiều ngày 14/5/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố về chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”.

Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu trung ương có đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Dự Hội nghị có lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã, doanh nghiệp…

anh tin bai

Các đồng chí chủ trì Hội nghị tại điểm cầu trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền  thông, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh…

anh tin bai

Đại biểu tỉnh Lào Cai tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh:Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp từ trung ương đến địa phương cũng đang đối mặt với không ít rào cản và thách thức như: nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế; sự kết nối, chia sẻ, liên kết giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, hợp tác xã, người nông dân còn chưa chặt chẽ, hệ thống hạ tầng công nghệ chưa đồng đều giữa các khu vực và vùng địa lý; thể chế đầu tư cho chuyển đổi số còn chưa đồng bộ… đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện nhằm tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng số hóa nhanh và hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp.

anh tin bai

Đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu ấn phẩm “Làng số” do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã chỉ rõ định hướng “… Nông nghiệp, nông thôn được Chương trình chuyển đổi số Quốc gia xác định là 01 trong 8 lĩnh vực ưu tiên, theo đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao chú trọng nông nghiệp thông minh; tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; phát triển mạnh thương mại điện tử; quản lý quy hoạch và dự báo, cảnh báo thị trường”.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định rõ “ngành nông nghiệp là một trong những ngành cần ưu tiên chuyển đổi số trước”. Đồng thời đặt mục tiêu xây dựng và hoàn thành 100% các bộ dữ liệu ngành nông nghiệp; 100% dữ liệu truy xuất nguồn gốc, xuất xứ được cung cấp kèm theo cho các sản phẩm OCOP…

Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, văn minh. Đẩy mạnh số hóa nông nghiệp, lấy người nông dân là trung tâm và động lực phát triển. Công nghệ số đã được ứng dụng trong mọi lĩnh vực của ngành, từ quản lý đến sản xuất, tiêu thụ. Theo số liệu điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có khoảng 290 doanh nghiệp nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, khoảng 690 vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 70% vùng đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến hết tháng 5/2021, cả nước đã hình thành 1.916 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. Hiện cả nước có trên 02 triệu hộ nông dân sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, có gần 50 nghìn sản phẩm nông nghiệp được đưa lên các sản thương mại điện tử với hàng nghìn giao dịch được thực hiện.

anh tin bai

Ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp trong bối cảnh chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Chương trình chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định rõ “ngành nông nghiệp là một trong các lĩnh vực được ưu tiên” với mục tiêu “mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo giá, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử”. Công tác chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số đã giúp người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ở Lào Cai bước đầu thành công trong tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, vệ sinh an toàn thực phẩm… Hiện nay Lào Cai đã có trên 70% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ cao trong quản lý canh tác theo các mức độ. Trên 75% hợp tác xã được khảo sát cho biết có sử dụng các ứng dụng như Zalo, Viber… hoặc phần mềm quản lý để cập nhật thông tin quản lý, điều hành hoạt động, trao đổi công việc giữa cán bộ quản lý với thành viên, người lao động. 100% sản phẩm OCOP của tỉnh đã được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Gần 90 doanh nghiệp, hợp tác xã với trên 300 dòng sản phẩm được gắn mã QR-Code đã giúp minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản an toàn.

anh tin bai

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết số hoá ngành nông nghiệp nước ta còn rất thấp mới chiếm 2,1%; đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải làm rõ các nội dung của chuyển đổi số để triển khai hiệu quả; lựa chọn thí điểm và nhân rộng các mô hình thành công trong chuyển đổi số nông nghiệp… (ảnh chụp màn hình)

Tại Hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã đánh giá thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn và đề xuất giải pháp về số hóa nông nghiệp chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an tham luận về “Đổi mới sáng tạo thúc đẩy kinh tế số trong nông nghiệp”; “Ứng dụng Đề án 06 thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”. Các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và một số tỉnh, thành phố tập trung vào “Giải pháp thúc đẩy số hóa các ngành hàng nông sản đáp ứng yêu cầu của thị trường”; “Nút thắt và kiến nghị chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã công nghệ tham gia thúc đẩy số ngành nông nghiệp”; “Thuận lợi, khó khăn và kiến nghị  nhằm thúc đẩy số hóa trong nông nghiệp tại địa phương”… 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh trong những năm qua ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu bước đầu rất đáng khích lệ, là động lực, tạo cảm hứng để tiếp tục phát triển; đồng thời biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Nông nghiệp, đặc biệt là sự phối hợp tương đối tốt giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương để đạt được những kểt quả như ngày hôm nay. Đồng chí cũng đề cập 06 tồn tại, vướng mắc chính trong chuyển đổi số nông nghiệp như: thể chế về chuyển đổi số trong nông nghiệp chưa đầy đủ, hoàn thiện làm cơ sở pháp lý cho quá trình triển khai thực hiện; hạ tầng số trong nông nghiệp còn yếu; nhân lực làm công tác chuyển đổi số còn thiếu; tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công toàn trình ngành nông nghiệp còn thấp; số hoá dữ liệu trong ngành nông nghiệp còn chưa đồng bộ; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tham gia ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số còn hạn chế.

anh tin bai

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng cũng đưa ra một số giải pháp và yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện: Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; cần có hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơ sở quốc gia về nông nghiệp, nông thôn kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, cơ sở dữ liệu của địa phương; xây dựng cơ chế, có các giải pháp hỗ trợ hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số… 

Trước đó, các đại biểu đã tham quan khu vực trưng bày giới thiệu về các mô hình ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của cộng đồng doanh nghiệp số, các viện, trường, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là những sản phẩm công nghệ được xây dựng và phát triển “Make in Vietnam” với mong muốn giải quyết các vấn đề nông nghiệp hiện tại, thúc đẩy số hóa hướng tới một nền nông nghiệp thông minh, trách nhiệm và bền vững./.


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available