Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và lưu trữ lịch sử trong việc giải mật tài liệu, theo đó người dân có khả năng tiếp cận tài liệu của các cơ quan công quyền sớm hơn.
Một điểm mới và tiến bộ của dự thảo Luật Lưu trữ sửa đổi được Quốc hội thảo luận tại hội trường Diên Hồng sáng nay, 24-5, thể hiện ở việc mở rộng phạm vi thông tin được tiếp cận.
Theo hồ sơ dự án luật trình Quốc hội, dự thảo đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và lưu trữ lịch sử trong việc giải mật tài liệu, cụ thể: “Trong thời hạn 5 năm, cơ quan, tổ chức đã xác định bí mật nhà nước có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với lưu trữ lịch sử thực hiện việc giải mật tài liệu đã nộp vào lưu trữ lịch sử theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Việc giải mật tài liệu lưu trữ đã nộp vào lưu trữ lịch sử trong trường hợp cơ quan xác định bí mật nhà nước không còn hoạt động thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước”.
Đối với các tài liệu của ngành quốc phòng, công an, ngoại giao, dự thảo luật trao quyền cho “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao quản lý và lưu trữ tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động, tài liệu lưu trữ dự phòng, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ của ngành quốc phòng, công an, Bộ Ngoại giao”, nhưng hàng năm phải “lập mục lục hồ sơ, tài liệu lưu trữ vĩnh viễn thuộc phạm vi quản lý và hàng năm cập nhật, gửi Bộ Nội vụ”. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phê duyệt Danh mục tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện của ngành quốc phòng, công an và Bộ Ngoại giao.
Bằng việc giảm thời hạn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử, người dân có khả năng tiếp cận tài liệu của các cơ quan công quyền sớm hơn, rút ngắn thời gian từ 10 năm kể từ năm công việc kết thúc (Luật Lưu trữ năm 2011) xuống còn 5 năm, tính từ năm nộp tài liệu vào lưu trữ hiện hành; góp phần hiệu quả giúp nhân dân thực hiện quyền giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, lưu trữ lịch sử có trách nhiệm công khai danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử và thực hiện công bố tài liệu lưu trữ thuộc thẩm quyền quản lý. Việc dự thảo xác định rõ yêu cầu đối với chủ thể có nghĩa vụ chủ động cung cấp thông tin có sẵn một cách thường xuyên, ngay cả khi không có yêu cầu của nhân dân, cũng góp phần đảm bảo quyền tìm kiếm thông tin – một trong những nội hàm của quyền tiếp cận thông tin.
ANH PHƯƠNG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/thuc-day-qua-trinh-giai-mat-thong-tin-post741349.html