BTO-Sáng 12/6, đồng chí Dương Văn An – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì cuộc họp chuyên đề với lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các địa phương và các sở ngành liên quan đánh giá thu ngân sách nhà nước tỉnh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ những tháng cuối năm.
Cùng dự họp còn có các đồng chí: Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh, Tiêu Hồng Phúc – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phan Văn Đăng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Toàn cảnh cuộc họp
Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, ước thực hiện thu ngân sách nội địa 6 tháng đạt 4.671 tỷ đồng, bằng 54,28% dự toán và giảm 19,38% so cùng kỳ; trong đó thu từ ngoài quốc doanh ước giảm 7,05% so cùng kỳ. Về tổng thể thu nội địa 6 tháng đầu năm 2023 mặc dù ước đạt khá so với dự toán (54,28%) nhưng đây là mức đạt thấp trong 2 năm gần đây. Phân theo khoản thu có 9/16 khoản thu có tiến độ thu ước đạt khá so với dự toán (trên 54% dự toán) và 4/16 khoản thu tăng trưởng. Có 7/16 khoản thu ước đạt thấp so với dự toán. Khối huyện, thị xã, thành phố ước thu đạt 1.874 tỷ đồng, bằng 55,93% dự toán (3.350 tỷ đồng) và giảm 28,48% so cùng kỳ. Có 6/10 địa bàn dự kiến có tiến độ thu đạt khá so với dự toán (trên 55% dự toán) gồm: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Đức Linh, Tánh Linh, Phú Quý…
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng phân tích các giải pháp thu ngân sách thời gian tới
Tại cuộc họp, các sở ngành, địa phương tập trung phân tích những khó khăn tác động đến tình hình thu ngân sách tỉnh, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy nhanh thu ngân sách. Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng phân tích, lưu ý các giải pháp lâu dài và trước mắt tập trung để tăng thu ngân sách từ nay đến cuối năm: Cần sớm xác định giá đất cụ thể để thu tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Rà soát các quỹ đất để tạo quỹ đất sạch thực hiện đấu giá tạo nguồn thu ngân sách. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; cùng với nuôi dưỡng nguồn thu cũ, cần đẩy nhanh tiến độ chấp thuận các dự án đầu tư mới.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kết luận cuộc họp
Kết luận tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đánh giá: Qua số liệu thống kê, phân tích thực tế 6 tháng còn lại của năm 2023, tình hình thu ngân sách địa phương sẽ còn nhiều khó khăn xuất phát từ tình hình chung thế giới, cả nước và trong tỉnh. Từ đó, nhận định khả năng năm nay dự báo thu ngân sách tỉnh thu đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND tỉnh giao, tuy nhiên không đạt theo kỳ vọng (chỉ bằng 85% so với năm 2022). Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, cần phải phân tích, tính toán để khắc phục những khó khăn, bất cập thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, du lịch, thương mại… để tạo sự phát triển của tỉnh từ đó tạo ra nguồn thu ngân sách.
Nhấn mạnh, năm 2023 với nhiều kỳ vọng khi Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại của ngành du lịch – dịch vụ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ các ngành kinh tế khác. Đồng thời, việc hoàn thành tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo được thông tuyến giao thông đi lại thuận lợi, lưu thông hàng hóa và sân bay quân sự sắp hoàn thành, triển khai thủ tục xây dựng ga hàng không Phan Thiết… Mặt khác, một khó khăn đã được tháo gỡ, năm 2023 tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất; một số địa phương đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, đây là cơ sở quan trọng để chấp thuận chủ trương đầu tư của các dự án sử dụng đất thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh…
Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành thuế tỉnh, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao Chỉ số PCI, Chỉ số Par Index, Chỉ số PaPi, Chỉ số SiPas. Đồng thời, khắc phục tình trạng quan liêu, né tránh đùn đẩy trong một bộ phận cán bộ công chức, các cơ quan, ban, ngành, địa phương; sự phối kết hợp giữa các ngành còn rời rạc, thiếu chặt chẽ; khắc phục khó khăn nội tại thời gian qua… Quan tâm tháo gỡ những bất cập, vướng mắc những vi phạm giai đoạn trước hiện nay đang cản trở hoạt động bình thường của các doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công, sớm đưa các dự án đi vào sử dụng phát huy hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Chỉ đạo phát triển sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, nhất là lĩnh vực ngành nghề tỉnh có thế mạnh như: sản xuất công nghiệp năng lượng, du lịch, nông nghiệp… ngày càng sôi động hơn. Cùng với đó, ngành thuế đẩy mạnh chống thất thu thuế, thu hồi nợ đọng thuế…