Ngày 14-10, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã kỷ niệm 5 năm ngày thành lập, đồng thời tổ chức Tọa đàm “Cơ hội và thách thức trong triển khai kinh tế tuần hoàn”.
Đại diện ban tổ chức cho biết, qua 5 năm hoạt động, PRO Việt Nam đã xây dựng được các mô hình thu gom và tái chế vận hành hiệu quả với nhiều loại bao bì khác nhau.
Trong 2 năm thử nghiệm (2022 – 2023) trước khi quy định về EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với bao bì sản phẩm) chính thức có hiệu lực, PRO Việt Nam đã thu gom và tái chế thành công hơn 17.000 tấn bao bì các loại, góp phần giảm thiểu gánh nặng rác thải lên môi trường.
Năm 2024, khi quy định EPR có hiệu lực, PRO Việt Nam cam kết thu gom và tái chế khoảng 64.000 tấn bao bì do các doanh nghiệp thành viên ủy quyền.
Tại tọa đàm “Cơ hội và thách thức trong triển khai kinh tế tuần hoàn”, một số ý kiến cho rằng, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích như tạo thêm việc làm cho người lao động, bảo đảm phát triển bền vững mang lại lợi ích lâu dài cho xã hội và môi trường… góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng.
Tuy vậy, quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn cũng đang phải đối mặt với những thách thức như sự hỗ trợ về mặt chính sách, thuế; thiếu các ý tưởng sáng tạo; nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu…
Theo các chuyên gia, mức độ thực hành kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đạt điểm 7 nếu thang điểm là 10; còn nhận thức về kinh tế tuần hoàn chỉ đạt điểm 5, 6.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, cho biết, bên cạnh những khó khăn về thể chế, tài chính, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam còn gặp rào cản đến từ các yếu tố xã hội như mức độ nhận thức của doanh nghiệp, người dân về kinh tế tuần hoàn còn thấp.
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa quan trọng nhất để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và một trong những yêu cầu của kinh tế tuần hoàn là phải tư duy, thiết kế lại các hành động, quy trình sản xuất kinh doanh. Do vậy, các cơ quan chức năng cần giải pháp để mỗi người dân, doanh nghiệp thay đổi tư duy về kinh tế tuần hoàn.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam, cho biết, PRO Việt Nam không chỉ là nơi các doanh nghiệp hợp tác, chia sẻ mục tiêu tái chế bao bì, mà còn là một liên minh vượt qua giới hạn cạnh tranh trên thị trường, cùng nhau phát triển những giải pháp sáng tạo để bảo vệ môi trường và cải thiện vòng đời sản phẩm.
Các công ty thành viên của PRO Việt Nam, từ những doanh nghiệp tiêu dùng lớn đến các đơn vị thu gom và tái chế, đã và đang cùng nhau tạo nên một hệ sinh thái bền vững, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
“Trong những năm tới, PRO Việt Nam mong muốn tiếp tục vai trò tiên phong, là nhân tố quan trọng góp phần cùng với cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn thực sự bền vững, ông Phạm Phú Ngọc Trai nói.
MINH HẢI
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/thuc-day-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-post763620.html